Ngày 19/5, truyền thông Myanmar đưa tin Chính phủ nước này cam kết hợp tác với các đối tác trong khu vực và quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư bằng thuyền hiện nay.
Người di cư từ Myanmar tại lều tạm ở Kuala Langsa, tỉnh Aceh, Indonesia ngày 16/5, sau khi được cứu sống trên biển. Ảnh: AFP/TTXVN |
Người phát ngôn của Tổng thống Myanmar, ông U Ye Htut cho biết vấn đề trên là hậu quả của nạn buôn người từ Myanmar và Bangladesh tới Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Ông U Ye Htut khẳng định Myanmar sẽ không coi họ là những người tị nạn khỏi cuộc xung đột ở bang Rakhine, giáp giới Bangladesh.
Chính phủ sẽ rà soát những người di cư tìm cách vượt biển ra nước ngoài và đưa những công dân này về nước. Theo số liệu chính thức, Myanmar đã bắt đầu cho hồi hương hơn 500 nạn nhân của nạn buôn người bị ép lên các thuyền đánh cá ở Indonesia.
Cùng ngày, Philippines khẳng định nước này sẵn sàng viện trợ nhân đạo cho những người tị nạn từ cộng đồng người thiểu số Rohingya ở Myanamar và Bangladesh, cho rằng đây là trách nhiệm khi tham gia Công ước của Liên hợp quốc về người tị nạn năm 1951.
Trong một động thái ủng hộ nỗ lực của các nước láng giềng nhằm ngăn chặn sự gia tăng người di cư bằng thuyền ở Đông Nam Á, Australia tái khẳng định chính sách được áp dụng từ năm 2013, theo đó cung cấp thực phẩm, nước uống cho những người tị nạn trên các thuyền ngoài biển, nhưng không cho phép họ cập bờ.
Những năm gần đây, hàng nghìn người di cư, chủ yếu là cộng đồng người Rohingya thiểu số ở Myanmar và từ Bangladesh đã tìm cách vượt biển ra nước ngoài tị nạn, trong đó Malaysia và Indonesia là những điểm đến và Thái Lan là điểm trung chuyển đầu tiên của các đường dây buôn người trong khu vực. Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực trước hết hãy cứu những người di cư rồi sau đó mới tính đến các giải pháp dài hạn.
TTXVN/Tin tức