Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), trao đổi với Tin Tức xung quanh việc đảm bảo khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm khi viện phí tăng.
Viện phí tăng thì có điều chỉnh tăng mức đóng bảo hiểm y tế ngay trong năm nay không, thưa ông?
Ước tính, khi áp dụng giá viện phí mới thì chi phí viện phí mà Quỹ BHYT phải chi trả sẽ tăng 26%, tức là tăng khoảng 6.000 - 8.000 tỉ đồng/năm.
Hiện nay, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định là bằng 4,5% tiền lương, tiền công. Năm 2012 sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 830.000 lên 1.050.000 đồng/tháng, tăng 26,5% so với năm 2011. Do vậy, năm 2012 quỹ BHYT vẫn có thể cân đối được, tức là chưa phải tăng mức phí tham gia BHYT ngay trong năm nay. Thế nhưng, đó mới chỉ là tính trên con số dự báo mà chưa tính đến sự gia tăng đột biến lượt khám chữa bệnh, tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm khi giá viện phí tăng. Do đó, ngoài việc sẽ áp dụng một loạt biện pháp giám định, giám sát để tiết kiệm chi phí thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN) đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh mức đóng BHYT tăng từ 4,5% như hiện nay lên 5% mức lương cơ bản/tháng. Tuy nhiên, việc quyết định điều chỉnh mức đóng vào thời điểm nào còn phụ thuộc vào kết quả đánh giá tác động của việc tăng viện phí đối với quỹ BHYT trong thời gian tới.
Thời gian tới, BHXH VN sẽ có biện pháp gì để tăng cường kiểm soát tình trạng lạm dụng kỹ thuật tại các cơ sở y tế?
Rất hy vọng khi viện phí tăng thì một số cơ sở y tế sẽ không tăng số lượng dịch vụ lên để bù đắp phần viện phí thiếu hụt như hiện nay. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ là hy vọng. Bởi vậy, để có thể làm tốt nhiệm vụ là cơ quan quản lý quỹ, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT, cơ quan bảo hiểm đã chủ động thay đổi cả về phương pháp giám định lẫn quy trình thực hiện.
Trước hết, ngành BHXH đã trình và được sự đồng thuận của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về áp dụng phương pháp giám định mới. Cụ thể, thay vì việc phải giám định 100% bệnh án như hiện nay thì các giám định viên chỉ việc giám định bệnh án theo một tỷ lệ nhất định và khấu trừ chi phí sai sót cũng theo tỷ lệ đó. Tôi cho rằng đây cũng là một cuộc cách mạng trong giám định. Bởi lẽ, dù ngành BHXH VN có bổ sung thêm rất nhiều, rất nhiều biên chế cũng không thể đáp ứng việc giám sát số lượng bệnh án khổng lồ luôn có xu hướng tăng hàng năm. Nhưng khi thực hiện phương pháp giám định theo tỷ lệ thì số lượng bệnh án giảm, giám định viên có thể tập trung giám định kỹ hơn và chắc chắn là chất lượng giám định sẽ tăng lên. Điều quan trọng hơn cả là lúc này, các lãnh đạo bệnh viện sẽ có trách nhiệm hơn trong việc quản lý, tránh tình trạng lạm dụng dịch vụ, kỹ thuật.
Hiện nay, ngành BHXH VN đã hoàn tất việc xây dựng và đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo tỷ lệ. Trước đó, chúng tôi đã thí điểm thực hiện phương pháp giám định mới này tại TP Hồ Chí Minh và kết quả thu được là rất tốt. Nhiều bệnh viện thành lập tổ giám sát và đưa ra quy trình xử lý rất nghiêm ngặt với bác sĩ có hành vi lạm dụng dịch vụ, kỹ thuật.
Ngành cũng sẽ thay đổi phương pháp thực hiện công tác giám định. Nghĩa là thay vì việc bố trí, đưa các giám định viên là các BS đi trực ở các bệnh viện như bấy lâu thì chúng tôi sẽ rút hết về, thành lập các tổ giám định chuyên sâu. Các tổ giám định này sẽ quay về các bệnh viện để làm công tác giám định. Việc trực tại bệnh viện để giải quyết vấn đề chính sách, phối hợp giải quyết sự vụ khác sẽ do dược sĩ hoặc các cán bộ trình độ đại học chuyên ngành khác đảm nhiệm.
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên thực hiện