“Viện phí được điều chỉnh theo hướng tăng chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ”, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế khẳng định.
Hai bên cùng có lợi
Theo khẳng định của nhiều chuyên gia y tế, chất lượng dịch vụ y tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Do đó, không nên đặt ra vấn đề rằng tăng viện phí thì chất lượng dịch vụ y tế phải tăng ngay. Tuy nhiên, khi viện phí tăng thì cả bệnh viện và người dân đều sẽ được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Nam Liên cho biết: Có 7 yếu tố cấu thành giá viện phí (nếu tính đúng, tính đủ) nhưng lần điều chỉnh này mới chỉ tính đủ 3 yếu tố chi trực tiếp gồm: Tiền thuốc, dịch truyền, máu, vật tư tiêu hao, hóa chất để thực hiện dịch vụ; chi phí điện nước, thông tin liên lạc, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, khử khuẩn; chi phí duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa thiết bị, mua thay thế dụng cụ. Hiện còn 4 yếu tố chưa tính vào giá viện phí lần này là tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp; khấu hao trang thiết bị y tế trực tiếp; khấu hao, sửa chữa lớn cơ sở hạ tầng; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.
“Tuy chưa tính đúng, tính đủ nhưng giá viện phí mới đã tính được các chi phí trực tiếp liên quan đến công tác điều trị, 4 cấu phần chưa được tính trong giá viện phí mới thì đã có ngân sách nhà nước hỗ trợ. Vì vậy, việc điều chỉnh viện phí lần này có thể nói là cuộc cải cách lớn về viện phí. Các bệnh viện sẽ có điều kiện tốt hơn để bù đắp phần thiếu hụt của giá viện phí hiện nay. Như vậy tất yếu sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh”, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (BHXH Việt Nam) cho hay.
“Đặc biệt, ngoài phần đồng chi trả, người bệnh có BHYT sẽ không phải đóng thêm các khoản thu thêm do các BV tự thu để bù vào phần giá viện phí thấp đã duy trì hơn 15 năm nay. Trong khi đó, các bệnh viện sẽ có điều kiện triển khai thêm dịch vụ, kỹ thuật mới. Hoặc điều dễ nhận thấy nhất là BV sẽ có đủ kinh phí để trang bị thêm chăn, đệm, quần áo cho bệnh nhân…”, ông Nguyễn Nam Liên cho biết.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu TƯ cũng chia sẻ: “Có kinh phí, bệnh viện mới có điều kiện để mua thuốc men, vật tư, hóa chất đúng yêu cầu của dịch vụ kỹ thuật. Đơn cử như kỹ thuật sinh thiết tủy xương chẳng hạn, mức giá 10.000 - 20.000 đồng duy trì từ năm 1995 đến nay là giá làm... bằng tay. Nghĩa là, chỉ có thể trang bị kim sinh thiết to bằng cái bút bi, giá khoảng 40 USD, làm cho trên 400 bệnh nhân, kim cùn thì mài lại dùng tiếp. Nhưng nếu viện phí được điều chỉnh, BV sẽ có điều kiện trang bị kim sinh thiết nhỏ, dài, mỏng, chọc không đau, mẫu sinh thiết chuẩn, làm chỉ 1 lần, giá khoảng 60 - 80 USD/chiếc”.
TS Nguyễn Cao Luận, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng: “Điểm hay của việc điều chỉnh giá viện phí lần này là có thể giúp BV các tỉnh phát triển được thêm các dịch vụ kỹ thuật mới. Như Bắc Giang, Nam Định, bệnh nhân phải chạy thận nhiều nhưng các bệnh viện này dè dặt, không mở khoa thận nhân tạo vì lo thu không đủ chi. Và khi các BV tỉnh mở thêm các kỹ thuật mới sẽ góp phần chống được quá tải cho bệnh viện tuyến trên và giảm chi phí chung cho người bệnh”.
Bệnh nhân nghèo sẽ được hỗ trợ
Theo TS Luận, giá một lần chạy thận nhân tạo tại bệnh viện trực thuộc Trung ương hiện nay là 400.000 đồng. Giá điều chỉnh lên là 460.000 đồng. Tính ra, bệnh nhân BHYT cùng chi trả 5% chỉ phải đóng thêm khoảng 3.000 đồng/lần chạy thận, như vậy là chấp nhận được. Điều đáng lo ngại nhất là những người chạy thận phải cùng chi trả 20% viện phí, trung bình một tháng họ phải đóng thêm 1,7 triệu đồng (cho 13 lần chạy thận).
Để giải tỏa nỗi lo lắng về khả năng chi trả của những bệnh nhân nghèo, mắc bệnh nặng, mạn tính, khi viện phí tăng, đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 139/2003/QĐ- TTg về quỹ khám bệnh cho người nghèo. Trong đó, có nội dung Nhà nước sẽ hỗ trợ trong chi trả viện phí cho một số đối tượng khó khăn, người mắc bệnh hiểm nghèo, bị ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim… Trong Dự thảo Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám chữa bệnh cũng quy định các bệnh viện phải trích một phần nguồn thu để hỗ trợ một số trường hợp khó khăn.
Đối với người thuộc hộ cận nghèo, mới đây Chính phủ đã đồng ý nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo lên 70% kể từ năm 2012 (trước đó là 50%). Bộ Y tế cũng đề xuất với Chính phủ nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT từ 30% lên 50-60% cho nông dân, diêm dân, người làm lâm nghiệp có mức sống trung bình, kể từ năm 2013.
“Ngoài ra, Bộ Y tế đang nghiên cứu, xây dựng để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án giảm tải bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Phương Liên