Năm Tân Mão dưới góc nhìn của Khoa học cổ phương Đông

Năm Canh Dần đang dần dần đi, năm Tân Mão sắp đến, tiết Đông chí đã qua rồi, tiết Đại hàn sẽ tới, sau tiết Đại hàn đến tiết Lập xuân, là bắt đầu một năm mới đến.
-
Giữa khi tiết trời trên trái đất đang chuyển giao hai mùa đông qua và xuân tới, khí âm lùi dần về quá khứ, khí dương đang đến từng ngày, vậy thì ta hãy nhìn và luận từ góc độ của một ngành khoa học cổ phương Đông về năm mới Tân Mão xem thấy có những gì.

Trước hết nói về Chi Mão, là tên gọi thuộc hàng Chi đứng thứ tư trong mười hai địa Chi (Tý, Sửu, Dần, Mão...), nhưng là Chi thuộc về tứ Chính, tứ Chính gồm bốn địa Chi: Tý, Ngọ, Mão, Dậu, trong đó hai Chi Tý, Ngọ đối nhau tượng cho trục đứng của trái đất chỉ hai phương Bắc, Nam, hai Chi Mão, Dậu đối nhau tượng cho trục ngang của trái đất chỉ hai phương Đông, Tây.


Như vậy Chi Mão sẽ là địa Chi chỉ phương chính Đông, tương ứng với phương Đông của châu Á, ứng với quái Chấn trong Bát quái Hậu thiên, quái Chấn quản ba cung là Giáp, Mão, Ất.

Quái Chấn ở phương Đông là một trong tám quái tượng cho một trong tám phương vị ở trên mặt đất. Theo quan điểm của Dịch học thì vạn vật bắt đầu sinh ra từ phương có quái Chấn (Đề xuất hồ Chấn).


Phương Đông của châu Á liền với biển Thái Bình Dương, là nơi luôn có gió biển mang theo hơi nước thổi vào đất liền nên đã tạo cho cây cối ở phương này bốn mùa xanh tươi, vạn vật sẽ nhờ đó mà phát sinh và phát triển không ngừng.

Mặt khác trong mười hai địa Chi tượng cho sự phát sinh, phát triển trong một chu kỳ sinh thành phế hủy của vạn vật, thì Chi Tý là thời kỳ vạn vật bắt đầu hình thành, tiếp đến Chi Sửu là thời kỳ vạn vật chuẩn bị ra đời, tiếp đến Chi Dần là vạn vật đã ra đời, tiếp đến Chi Mão là vạn vật bắt đầu phát triển...


Từ đó mà suy thì rõ ràng năm Mão cũng là năm mở đầu cho một thời kỳ phát triển vươn lên mạnh mẽ của vạn vật.

Năm Tân Mão có Can Tân là Can đứng ở hàng thứ tám trong mười Can, Can Tân cũng thuộc trục ngang Đông Tây của trái đất, nhưng Can Tân nằm ở phương Tây do quái Đoài quản, quái Đoài cũng là một trong tám quái của Bát quái Hậu thiên, quản ba cung là Canh, Dậu, Tân.

Như vậy Chi Mão và Chi Dậu đối diện nhau ở hai phương Đông và Tây sẽ đại diện cho hai quái Chấn và Đoài, còn bốn Can Giáp, Ất, Canh, Tân, chỉ mang tính chất hỗ trợ về Ngũ hành cho hai địa Chi Mão, Dậu nói trên.


Vậy là năm Tân Mão sẽ tạo nên một Trùng quái được gọi là Trạch Lôi Tùy, có nghĩa là: Tùy theo hoàn cảnh để xử lý mọi công việc thì sẽ luôn có lợi cho mình, như vậy năm Tân Mão xét về mức độ giải quyết công việc sẽ có nhiều thuận lợi hơn những năm trước.

Chi Mão nằm trong Tam hợp địa Chi là Hợi, Mão, Mùi, trong đó Chi Hợi và Chi Mùi có khí Ngũ hành đều tập trung cho Chi Mão, tức là làm cho khí Mộc vượng lên, khí Mộc vượng từ phương Đông sẽ xông thẳng đến phương Tây là phương của khí Kim để tạo nên xung sát cho phương này.


Nhưng vẫn theo quan điểm của Dịch học thì khí Kim bao giờ cũng khắc khí Mộc, nên khí Kim không thể không khắc ngược trở lại khí Mộc để gây mâu thuẫn cho phương Đông. Do đó mà hai phương Đông và Tây vẫn cần có các yếu tố thứ ba tác động làm cho hai phương này được bình yên, yếu tố này sẽ nằm ở phương Bắc là phương có hành Thủy, do hành Thủy chỉ đạo.

Vì theo quan điểm của Dịch học về Ngũ hành sinh khắc chế hóa thì Ngũ hành luôn tuân theo một nguyên lý là: Tham sinh quên khắc, tức là nếu có khí của hai hành khắc nhau mà có thêm khí của một hành thứ ba ở giữa tạo thành bộ ba hành khí khiến cho khí của hành này sinh cho khí của hành kia và khí của hành kia lại sinh cho khí của hành thứ ba, thì hai loại khí của hành thứ nhất và khí của hành thứ ba sẽ không khắc nhau nữa.

Trong trường hợp trên sẽ là khí Thủy sinh cho khí Mộc, khí Kim sinh cho khí Thủy, và thế là khí Kim không khắc khí Mộc nữa, vì có khí Thủy ở giữa tạo nên mối liên kết mới gọi là sự tương sinh liên hoàn: Kim sinh cho Thủy, Thủy sinh cho Mộc. Đối chiếu với tình hình về năm Tân Mão sẽ tới thì thấy rằng mọi sự đã rõ như ban ngày vậy.

Năm Tân Mão là năm có khí Kim vượng ở vào cung trung tâm theo Bản đồ cửu cung, làm cho tám cung còn lại có các loại khí Ngũ hành bố trí ở tám phương sẽ khác nhau, trong đó cần chú ý nhất là hai phương Đông và phương Tây. Phương Đông sẽ có khí Ngũ hoàng bay đến tạo nên sự xung khắc giữa khí của sao Ngũ hoàng thuộc khí Thổ và khí của phương Đông thuộc khí Mộc để tạo nên Mộc khắc Thổ.


Phương Tây có khí của sao Cửu tử thuộc khí Hỏa còn khí của phương Tây thuộc khí Kim, tạo nên Hỏa khắc Kim. Do đó cả hai phương Đông và Tây đều dẫn đến xung sát, sự tất yếu này sẽ xẩy ra. Cho nên cả hai phương Đông và Tây đều rất cần có các loại khí khác bổ sung hỗ trợ để hóa giải sự xung sát đó.

Đặc điểm nổi bật của khí hậu năm Tân Mão là năm có chủ khí thuộc Dương minh táo Kim, đặc trưng cho cả năm là khí hậu khô hanh, độ nóng thường cao hơn độ ẩm, làm cho khí hậu cả năm có nhiều thời kỳ khắc nghiệt. Khí Dương minh táo Kim được gọi là khí Tư thiên sẽ bao trùm cả năm, nhất là nửa năm đầu, nhưng sang đến nửa năm sau thì khí hậu lại chịu ảnh hưởng thêm của một loại khí nữa gọi là khí Tại tuyền.


Khí Tại tuyền của năm Tân Mão sẽ là loại khí chủ về sự nóng bức, được gọi là khí Thiếu âm quân Hỏa, loại khí này sẽ cùng với khí Tư thiên Dương minh táo Kim gây ảnh hưởng về cuối năm cho vạn vật.

Khí Dương minh táo Kim bao trùm cả năm gồm sáu thời kỳ trong năm theo các tiết khí lần lượt: Đầu tiên là khí Phong mộc: Tiết trời mát mẻ, tiếp theo là khí Quân hỏa: Trời bắt đầu nóng bức, tiếp theo là khí Tướng hỏa: Trời nóng bức cao độ, tiếp theo là khí Thấp thổ: Tiết trời ẩm ướt, tiếp đến là khí Táo kim: Trời khô hanh, nóng và ẩm đều giảm, và cuối cùng là khí Hàn thủy: Trời chuyển sang lạnh và giá rét.

Sáu loại khí này chủ trì thời tiết trong một năm tuần tự từ nóng đến lạnh, tương tự như thời tiết bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, ở trên trái đất. Nhưng trong mỗi thời kỳ lại có sự biến đổi khác thường của khí hậu làm thay đổi quy luật bình thường của thời tiết theo chủ khí nêu trên, những biến đổi trong từng thời kỳ đó gọi là khách khí.


Tuy chỉ là khách khí, tức là những đợt khí hậu này sẽ đi và đến thất thường, nhưng chính khách khí sẽ gây ra sự ảnh hưởng lớn đến từng thời kỳ riêng của chủ khí.

Năm Tân Mão khách khí cũng sẽ gồm sáu thời kỳ tương ứng với sáu thời kỳ của chủ khí, lần lượt đó là: Thấp thổ, Tướng hỏa, Táo kim, Hàn thủy, Phong mộc và Quân hỏa.

Với sự diễn biến khí hậu giữa chủ khí và khách khí của sáu thời kỳ trong năm thì hầu như không thời kỳ nào khí hậu năm Tân Mão được thuận hòa. Trong sáu thời kỳ thì có tới năm thời kỳ các hành khí khắc nhau giữa chủ khí và khách khí, thời kỳ một là Mộc khắc Thổ, thời kỳ ba là Hỏa khắc Kim, thời kỳ bốn là Thổ khắc Thủy, thời kỳ năm là Kim khắc Mộc, thời kỳ sáu là Thủy khắc Hỏa.

.

Riêng thời kỳ thứ hai là Quân hỏa là chủ khí và Tướng hỏa là khách khí thì lại nổi lên sự cộng hưởng của hai hành khí cùng là Hỏa, thời tiết sẽ tạo nên sự bất thường về nóng bức.

Từ lẽ nêu trên có thể thấy rằng: Về mùa xuân tuy có ẩm ướt nhưng sẽ nhanh chóng qua đi, mùa đông cũng có những ngày nắng nóng, mùa thu sẽ có mưa nhiều, nhưng là mưa chợt đến, chợt đi, tạo nên sự bất cập của thời tiết, lượng mưa cũng sẽ thất thường, vì thế mà hiện tượng nước lũ nhanh chóng đổ về các vùng miền là điều khó mà lường trước được.

Thực ra luận về năm Tân Mão theo góc độ của Khoa học cổ phương Đông còn rất nhiều vấn đề đáng bàn, đáng nói, nhưng trong khuôn khổ một bài viết đăng báo đón xuân thì sự hé mở này cũng gợi cho bạn đọc một số điều suy ngẫm đáng để khảo nghiệm và nghiên cứu.


Tin tưởng ở một năm mới đến với nhiều đổi mới có lợi cho dân tộc, làm cho mỗi người dân cũng sẽ được hân hoan đón nhận những điều đổi mới này.

Ngày 4 tháng 12 năm Canh Dần

Khương văn Thìn (
Nhà nghiên cứu Dịch học và Phong Thủy học)









Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN