Nâng cao chất lượng phát triển

Ngày 1/8/2008, Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội có hiệu lực. Sau 5 năm thực hiện, đến nay, Thủ đô đã có một diện mạo mới.


Những kết quả bước đầu


5 năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông lâm thủy sản phát triển toàn diện.


Khu đô thị mới phía tây Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

 

Đặc biệt thu nhập bình quân đầu người đã tăng 1,33 lần so với năm 2008 (năm 2012 thu nhập bình quân của người dân khu vực thành thị là 4,1 triệu đồng, khu vực nông thôn là 1,98 triệu đồng/người/tháng)…


Theo đánh giá của lãnh đạo Thủ đô, kinh tế Thủ đô đã giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế phía Bắc. Bộ mặt đô thị có nhiều đổi thay, Hà Nội đã và đang xây dựng thêm 370 dự án trung tâm thương mại, siêu thị lớn, văn phòng cao cấp, khách sạn hiện đại, nhà ở với 520.000 căn hộ.


Không chỉ mạnh về kinh tế, vấn đề an sinh xã hội Hà Nội có nhiều chuyển biến. Trong 5 năm qua, Hà Nội đã xây mới, thay thế 5.523 phòng học tạm, cấp 4 xuống cấp, 1.108 phòng học văn hóa, 1.071 phòng học bộ môn; trung bình hàng năm hỗ trợ trên 20.000 hộ thoát nghèo. Nhiều khu nhà ở xã hội được xây dựng đáp ứng nhu cầu cho người khó khăn về nhà, cho công nhân, sinh viên. Hạ tầng cho khu vực nông thôn cũng có bước phát triển nhanh, các phòng học tạm, phòng học cấp 4 đã được xóa triệt để, 100% các xã có điện lưới, 86% dân cư dùng nước hợp vệ sinh, trên 90% số hộ gia đình nông thôn có ti vi…


Theo lãnh đạo Hà Nội, để đạt được những thành công này là nhờ sự quyết liệt, thống nhất quan điểm chỉ đạo của Trung ương và Hà Nội; sự đoàn kết, đồng lòng vượt qua những khó khăn thách thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.


Nhiều khó khăn cần giải quyết


“Con đường phía trước đối với Hà Nội có cả thuận lợi, thời cơ, thách thức, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải chủ động, năng động, tích cực, sáng tạo để không ngừng vươn lên”.

 

Đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội

Dù duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao nhưng kinh tế Thủ đô trong 5 năm qua chưa phát huy hết các nguồn lực hiện có, có những yếu tố chưa bền vững. Thu hút đầu tư nước ngoài, huy động vốn trong nước chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Nhiều dự án triển khai chậm, gây lãng phí, thất thoát. Trong công tác quản lý xây dựng, còn có tình trạng dễ dãi trong phê duyệt các dự án xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại, dẫn đến tình trạng đầu tư bất động sản phát triển nóng, cung vượt quá cầu, khiến cho thị trường bất động sản đóng băng. Trong lĩnh vực xây dựng và quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng và đất đai vẫn còn bộc lộ hạn chế. Tình trạng quy hoạch treo, nhiều dự án chậm triển khai kéo dài, trong khi thiếu đất cho trường học, bệnh viện, nghĩa trang, xử lý rác thải...


Lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển chưa tương xứng với yêu cầu, vị thế và tiềm năng của Thủ đô. Hà Nội vẫn chậm khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh tuy có đạt một số kết quả nhất định nhưng chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và bền vững. Một số tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.


Công tác cải cách hành chính luôn được Hà Nội coi là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh những cải thiện trong ý thức thực thi công vụ, vẫn còn tình trạng tiêu cực, vòi vĩnh, đùn đẩy, né việc khó và “chuyền quả bóng trách nhiệm sang chân người khác”. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho bộ máy Hà Nội hoạt động kém năng động và hiệu quả, gây bức xúc cho nhân dân. Đó cũng là nguyên nhân khiến Hà Nội bị xếp thứ hạng thấp về năng lực cạnh tranh (PCI) trong thời gian qua.


Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, mới đây Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7 với những cơ chế, chính sách ưu đãi sẽ tạo thế và lực mới cho Thủ đô tiếp tục phát triển đi lên trong giai đoạn tới.

 

Ông Phạm Lợi, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Hà Nội: “Tập trung phát triển theo chiều sâu”

 

Những thành tích Hà Nội đạt được sau hợp nhất là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những khó khăn còn nhiều. Hà Nội cần tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển kinh tế văn hóa xã hội. Tiếp đến là vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch để bộ mặt đô thị Hà Nội hiện đại, văn minh như đã đề ra. Đồng thời, Hà Nôi cần coi trọng xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh đạo các cấp ủy Đảng và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

 

Ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội: “Rà soát dự án bất động sản Hà Tây cũ”

 

Có những dự án bất động sản dừng lại sau khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, do điều chỉnh quy hoạch Thủ đô; đến nay, vẫn để hoang vì chưa phù hợp với quy hoạch Thủ đô sau khi mở rộng. Một phần do thị trường bất động sản đóng băng nên các dự án này gặp nhiều khó khăn. Hà Nội đã tiến hành rà soát và sẽ có một số dự án phải dừng lại khi Hà Nội hoàn thiện quy hoạch phân khu.

 

Ông Nguyễn Văn Phú, trưởng thôn Hội, xã Yên Trung (huyện Thạch Thất): “Nông thôn ngày càng khởi sắc”

 

Niềm vui lớn nhất của người dân thôn Hội là chỉ sau 1 tháng sáp nhập về Hà Nội, toàn thôn đã có hệ thống điện lưới để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Hiện thu nhập bình quân đạt 7 - 8 triệu đồng/người/năm, cao gấp 2 lần so với khi chưa sáp nhập; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15% năm 2008 xuống còn 7%. Đến nay, hầu hết trục đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, giúp người dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 

Xuân Cường

Để tiềm năng thành sản phẩm hút khách

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội là nơi tập trung nguồn tài nguyên du lịch đa dạng nhất cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN