Nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào - Bài cuối

Hình thức tuyên truyền PBGDPL có lúc có nơi chưa thích hợp với từng địa bàn, điều kiện sống của người dân, nội dung pháp luật tuyên truyền, phổ biến chưa có trọng tâm, chưa sát với vùng DTTS, miền núi và biên giới.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT

Bên cạnh những hiệu quả của tuyên truyền, PBGDPL và TGPL đem lại cho đồng bào DTTS ở các địa phương, tuy nhiên công tác này cũng đã bộc lộ một số bất cập cần tháo gỡ. 

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang xây dựng Dự thảo Đề án “Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật vùng dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới từ năm 2017 đến năm 2021” chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là một tín hiệu mới cho công tác tuyên truyền PBGDPL trong thời gian tới.

Kiểm tra, giám sát các hoạt động tuyên truyền PBGDPL. Ảnh: Minh Thu

Theo Thạc sỹ Bùi Hồng Quý, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk, việc PBGDPL hiện nay mới chỉ tập trung vào các luật và pháp lệnh, chưa thực sự chú trọng vào các văn bản hướng dẫn thi hành. Cần tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động kết hợp với PBGDPL cho nhân dân, đồng thời ứng dụng một cách có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động PBGDPL... Bên cạnh đó, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, trang thiết bị và nguồn lực phục vụ cho công tác PBGDPL ở địa phương, nhất là cơ sở, còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật hầu hết đều kiêm nhiệm, nên chưa thực sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc làm đầu mối để chuyển tải pháp luật đến với người dân...

Ông Ma Thế Quyên, nguyên Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho rằng: Hình thức tuyên truyền PBGDPL có lúc có nơi chưa thích hợp với từng địa bàn, điều kiện sống của người dân, nội dung pháp luật tuyên truyền, phổ biến chưa có trọng tâm, chưa sát với vùng DTTS, miền núi và biên giới. Vì vậy, một trong những giải pháp đem lại hiệu quả cho công tác tuyên truyền PBGDPL là củng cố, kiện toàn, đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ tuyên truyền viên các cấp; xây dựng và nâng cao chất lượng tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác tuyên truyền, PBGDPL.


Sân khấu hóa tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào. Ảnh: Trọng Thủy

Theo ông Phan Hồng Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, UBDT đã xây dựng Đề án “Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật vùng dân tộc thiểu số, miền núi và biên giới giai đoạn 2017 - 2021”, để đến hết năm 2021, công tác tuyên truyền, PBGDPL, chính sách dân tộc cho vùng DTTS, miền núi và biên giới đạt trên 95% cán bộ làm công tác dân tộc, tư pháp, văn hóa, bộ đội biên phòng, già làng, trưởng bản, trưởng ấp, bí thư chi bộ, người có uy tín và đội ngũ truyên truyền viên cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tuyên truyền, phổ biến và trình độ, hiểu biết về pháp luật, chính sách dân tộc có tính thiết thực đối với vùng DTTS, miền núi và biên giới; trên 75% đồng bào vùng DTTS, miền núi và biên giới được tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, chính sách dân tộc gắn với quyền, nghĩa vụ và lợi ích của đồng bào vùng DTTS, miền núi, biên giới.

Để đạt được những mục tiêu trên, ông Thủy cho biết: Về nội dung, hình thức tuyên truyền PBGDPL sẽ phải có sự thay đổi để phù hợp. Bên cạnh việc chú trọng cập nhật nội dung của những văn bản mới ban hành về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để kịp thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho vùng DTTS, miền núi và biên giới thì đổi mới hình thức tuyên truyền là rất cần thiết. Việc PBGDPL sẽ phải sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền linh hoạt như: Biên soạn sách pháp luật, tờ gấp; xây dựng tiểu phẩm pháp luật, tuyên truyền thông qua sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, tư vấn pháp luật, TGPL; các tổ hòa giải ở cơ sở, thực hiện hương ước, quy ước của địa phương. Tổ chức các hình thức tuyên truyền miệng: Các buổi nói chuyện, sinh hoạt cộng đồng; lồng ghép trong các hoạt động của chương trình, dự án, đề án khác đang triển khai trên thực tế, qua báo chí, mạng lưới truyền thanh cơ sở, tranh cổ động pháp luật và mạng Internet. Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật phù hợp với các địa phương (Trung ương, tỉnh, huyện, xã). Phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản và người uy tín trong việc tuyên truyền pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miển núi và biên giới...
Trọng Thủy - Minh Thu
Nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào - Bài 1
Nâng cao hiểu biết pháp luật cho đồng bào - Bài 1

Những năm gần đây, thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL), nhận thức pháp luật của đồng bào các DTTS được nâng lên; đồng bào hiểu biết pháp luật, tự bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN