Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh

Thời gian gần đây, cùng với thế giới, Việt Nam cũng luôn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh mới nổi nguy hiểm. Mặc dù được đánh giá cao về khả năng ứng phó và phòng chống, xử lý các dịch bệnh, ngành Y tế Việt Nam vẫn xác định không thể lơ là.

Được đánh giá cao

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu: Công tác phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam đã có tiến bộ rõ rệt về năng lực giám sát, phát hiện, chẩn đoán xác định dịch bệnh và ứng phó giải quyết dịch bệnh một cách nhanh chóng; qua đó đã ngăn chặn, khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Tăng cường công tác phòng dịch bằng kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm. Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm - TXVN


“Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS, cúm A (H5N1), cúm A(H1N1); ngăn chặn thành công không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A(H7N9), Ebola, Mers-CoV... Đặc biệt việc xử lý ổ dịch H5N1 trên gia cầm được thế giới đánh giá là một thành tựu của ngành y tế Việt Nam, bệnh đã được khống chế, giảm dần và chưa ghi nhận ca nào mắc bệnh trong năm 2015; số người chết vì bệnh dại năm 2014 đã giảm đi rất nhiều so với năm trước; chưa ghi nhận vi rút H7N9...”, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, cơ bản Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống cơ sở phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, về công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh ở cấp quốc gia, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, điển hình là việc phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người… Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) cũng đã được triển khai từ năm 2013, với sự tham gia tích cực của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Tổ chức quốc tế (WHO, FAO và USCDC) nhằm điều phối và đáp ứng tốt hơn với các bệnh dịch mới nổi, trong đó có các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Ở cấp khu vực, Việt Nam với vai trò là nước đi đầu trong khu vực ASEAN, đã phối hợp với các nước thành viên xây dựng Chiến lược loại trừ bệnh dại. Hiện nay Việt Nam đang triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược này với mục tiêu tiến tới loại trừ bệnh dại ở các nước trong khu vực và duy trì các vùng không có bệnh dại của khu vực ASEAN đến năm 2020.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong ngành y tế, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh mới có nguy cơ xâm nhập, nhiều dịch bệnh cũ có khả năng bùng phát, vì vậy ngành y tế Việt Nam vẫn không thể lơ là với hoạt động phòng chống dịch của mình. Cụ thể, thời gian gần đây đã xuất hiện ổ dịch bệnh nhiệt thán ở Mèo Vạc, Hà Giang, do người dân giết mổ và ăn gia súc bị bệnh; các dịch bệnh như viêm não, sốt xuất huyết do muỗi truyền vẫn đang “nóng” theo mùa, bệnh liên cầu lợn lại xuất hiện nhiều ca nặng, bệnh tay chân miệng đang gia tăng tại TP Hồ Chí Minh...

Tăng cường giám sát

Theo các chuyên gia, để ứng phó với nhiều dịch bệnh nguy hiểm, quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực hệ thống giám sát, phát hiện bệnh sớm, ứng phó nhanh không để dịch lan rộng.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định: Tăng cường hệ thống giám sát các dịch bệnh cần phải có những ưu tiên trong từng thời điểm, địa điểm nhất định. Những người làm công tác phòng chống dịch phải có những chiến lược cụ thể như: Giám sát dịch bệnh gì, thời điểm nào và công tác nào là trọng tâm. Như hiện nay cần phải tập trung giám sát bệnh cúm (H5N1, H7N9), tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, đàn gia cầm… Bên cạnh đó, các trang thiết bị, phòng thí nghiệm… cũng cần được đầu tư nâng cấp hiện đại hơn để có đủ năng lực có thể chủ động phát hiện, chẩn đoán dịch bệnh một cách sớm nhất, chính xác, và can thiệp phòng chống dịch kịp thời khi có ca bệnh đầu tiên.

Đặc biệt lưu ý năng lực xét nghiệm, đảm bảo an toàn sinh học để có thể xét nghiệm phát hiện hầu hết các bệnh dịch mới nổi hoặc mới xuất hiện. Hệ thống giám sát tại các cửa khẩu cũng cần triển khai mạnh hơn nữa để ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm từ bên ngoài vào.

“Công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn động vật cũng là một khâu quan trọng để ngăn chặn những dịch bệnh nguy hiểm có thể lây sang người. Cần chú trọng hơn nữa công tác tiêm phòng cho vật nuôi như tiêm phòng dại cho chó, tiêm ngừa cúm cho gia cầm. Cần phải siết chặt quản lý việc nhập lậu gia súc qua các cửa khẩu”, một chuyên gia thú y cho biết.

Ông Phu cũng khuyến cáo: Người dân phải chủ động tránh các nguồn lây nhiễm bệnh như: thực hiện vệ sinh chăn nuôi, không ăn tiết canh, gia súc, gia cầm chết, rửa tay sạch sau khi giết mổ gia súc, gia cầm.

Thời gian gần đây, thế giới đã ghi nhận những dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ động vật như: H5N1, H7N9, Ebola, dịch hạch, MERS-CoV... Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay đã ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người chiếm 70% các đại dịch nguy hiểm và được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên, là mối đe dọa lớn đối với Việt Nam khi đang đẩy mạnh các hoạt động du lịch, thương mại quốc tế... Đặc biệt, hiện nay, các ổ dịch H7N9 đang lưu hành ở tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc, gần biên giới với Việt Nam, nên khả năng dịch tràn vào Việt Nam là rất lớn.



Tạ Nguyên
Cẩn trọng với dịch bệnh lây từ động vật sang người
Cẩn trọng với dịch bệnh lây từ động vật sang người

Trong những năm gần đây, dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người liên tục xuất hiện như: cúm AH5N1, SARS, cúm AH7N9, Ebola, MERS - CoV, than, dại... Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người với nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN