Nâng hiệu quả việc cải tạo cây cà phê ở Lâm Đồng

Do nhiều yếu tố tác động, có khoảng trên 1/4 diện tích cà phê ở Lâm Đồng đang bước vào thời kỳ “lão hóa”, cho năng suất kém, chất lượng cà phê không đảm bảo, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định của ngành cà phê, cũng như tác động xấu đến các hộ nông dân trồng cà phê.


Theo các chuyên gia nông nghiệp, để nhanh chóng ghép cải tạo hoặc tái canh diện tích cà phê là vấn đề nan giải, cả về cơ chế chính sách cũng như giải pháp kỹ thuật đi kèm. Thạc sĩ Nguyễn Đức Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, cho rằng: Hiệu quả của việc cải tạo đã được khẳng định, tuy nhiên, đây chưa phải là biện pháp mang tính lâu dài. Những vườn cà phê sau khi ghép cải tạo (trên 20 năm) đang bị xuống cấp, cây khô cành, nhiễm bệnh rỉ sắt, năng suất không ổn định, kém bền vững đã xuất hiện trên diện rộng.


Theo Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, hiện nay diện tích cà phê cải tạo có độ tuổi trên 20 năm khoảng 28,4%, nhưng phân bố không đồng đều ở các huyện. Chỉ có 6% trong tổng số hộ điều tra (giai đoạn 2001 - 2003) đã ghép cải tạo, và sau 9 - 10 năm vẫn có một số diện tích đạt năng suất ổn định từ 4 - 6 tấn/ha và chưa có biểu hiện thoái hóa. Tuy nhiên, đối với diện tích cà phê ghép cải tạo có độ tuổi trên 20 năm thì năng suất thường thấp hơn và không ổn định. Cũng còn tình trạng tồn tại song song cây cà phê ghép và cây cà phê thực sinh trong cùng hệ thống canh tác. Tỉnh cũng chưa xây dựng được cơ cấu giống cho từng vùng cụ thể; chưa xây dựng được quy trình ghép và chăm sóc sau ghép cho phương thức ghép dưới tán; quy mô sản xuất cà phê của nông hộ còn nhỏ lẻ nên gặp khó khăn khi thực hiện chuyển đổi giống.


Đặt mục tiêu năng suất cà phê bình quân từ trên 4 tấn/ha, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang tiến hành công tác ghép cải tạo và tái canh cây cà phê theo hướng: Đối với các vườn cà phê có điều kiện phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây cà phê vối, có đủ nước trong mùa khô; cây trong vườn có bộ rễ phát triển bình thường thì tiến hành ghép. Trường hợp vườn cây dưới 20 tuổi nhưng bộ rễ già cỗi, bị tổn thương do nấm bệnh thì khuyến cáo không ghép mà phải tiến hành nhổ bỏ và thực hiện tái canh theo quy trình.

 

Đặng Tuấn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN