Ngày 1/9, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết trong tuần này, giới lãnh đạo NATO sẽ được yêu cầu thông qua việc thành lập một lực lượng sẵn sàng phản ứng cao, đồng thời dự trữ trang thiết bị quân sự tại Đông Âu để giúp bảo vệ các nước thành viên đối phó với Nga.Trả lời báo giới, ông Rasmussen nói rằng lực lượng mới sẽ bao gồm hàng nghìn binh sĩ, được đóng góp theo cơ chế luân phiên giữa 28 nước thành viên NATO.
Được yểm trợ bằng không quân và hải quân, đơn vị này sẽ là "mũi nhọn" có thể được triển khai trong thời gian rất ngắn nhằm giúp các nước thành viên NATO tự vệ trước bất cứ mối đe dọa nào, trong đó có "mối đe dọa" từ phía Nga.
Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFP-TTXVN |
Tuy nhiên Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng cho biết liên minh này sẽ thực hiện các quy định trong Biên bản hợp tác với Nga. Ông Rasmussen nêu rõ: "NATO tuân thủ các điều khoản hợp tác cơ bản ký kết với Nga năm 1997".
Ông Rasmussen lưu ý rằng mục tiêu chính của NATO là an ninh tập thể, bảo vệ người dân và lãnh thổ của các nước thành viên của liên minh.
Dự kiến vào ngày 4/9 tới, NATO sẽ khai mạc hội nghị cấp cao tại Xứ Wales với chương trình nghị sự nổi bật là cách thức liên minh do Mỹ đứng đầu này phản ứng như thế nào trước những hành động của Nga đối với Ukraine.
Trong khi đó, cùng ngày 1/9, Tổng thống Đức Joachim Gauck cho biết Nga đã "thực sự ngừng quan hệ đối tác của họ" với châu Âu.
Phát biểu tại thành phố cảng Gdansk bên bờ biển Baltic của Ba Lan tại lễ kỷ niệm đánh dấu 75 năm ngày xảy ra cuộc tấn công của phát xít Đức vào Ba Lan - châm ngòi cho Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông Gauck nói rằng "chúng tôi muốn quan hệ đối tác và láng giềng tốt (với Nga) trong tương lai", song với điều kiện là Moskva phải thay đổi chính sách.
TN(Theo AP/AFP)