Các ngoại trưởng NATO ngày 2/12 đã kết thúc cuộc họp thường niên của nhóm, trong đó ra nhiều quyết định quan trọng. Đáng chú ý, liên minh quân sự này đã nhất trí tiếp tục ủng hộ Ukraine và chỉ trích Nga xung quanh cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.
Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, cho biết NATO đã nhất trí khởi động bốn quỹ tài chính để giúp Ukraine nâng cấp công tác hậu cần, đối phó với chiến tranh mạng, nâng cao dịch vụ y tế... NATO cũng hỗ trợ thêm một khoản dành cho các binh sĩ Ukraine bị thương.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) tại cuộc họp. Ảnh: THX-TTXVN |
Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Mỹ tới nay đã chi 118 triệu USD dưới dạng viện trợ và huấn luyện cho quân đội Ukraine và chưa biết chừng sẽ viện trợ vũ khí sát thương cho chính phủ nước này dù hiện chưa bàn đến khả năng đó.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã đề nghị NATO nối lại đối thoại với Nga nhằm ngăn chặn nguy cơ leo thang quân sự trong trường hợp tình hình tại Ukraine mất kiểm soát. Ông Steinmeier đề nghị thành lập một ủy ban giải quyết khủng hoảng với Nga, giúp kết nối và hiểu rõ được những phản ứng có thể của cả hai bên. Động thái này cũng sẽ giúp điều chỉnh lại tình trạng mất liên lạc hiện nay giữa NATO và Nga. |
Liên quan đến Nga, các ngoại trưởng NATO và Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin - người tham gia cuộc họp từ xa, đã ra tuyên bố gây sức ép với Nga. Tuyên bố có đoạn: “Chúng tôi chỉ trích mạnh mẽ việc Nga tiếp tục và cố ý làm bất ổn miền Đông Ukraine một cách trái luật quốc tế. Nga phải dùng ảnh hưởng với phe ly khai để đảm bảo họ ngừng tấn công và tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn”. Tuyên bố này không có gì mới vì từ trước đến nay NATO và Ukraine luôn cáo buộc Nga dính líu đến xung đột ở miền Đông và Nga luôn bác bỏ điều này.
NATO cũng nhất trí tăng cường phòng thủ trước Nga, đặc biệt đảm bảo an ninh cho các nước gần Nga nhất thông qua duy trì các biện pháp đang thực hiện sang năm 2015. Một trong số các biện pháp là tăng trường tuần tra trên vùng trời biển Baltic và tiếp tục luân chuyển các đơn vị quân đội NATO ở trong và ngoài những nước như Ba Lan và các nước cộng hòa ven Baltic. Theo tiết lộ của một quan chức cấp cao NATO giấu tên, từ ngày 1/1/2015 tới, một lực lượng trên bộ khoảng 3.000 đến 4.000 binh sĩ đến từ Đức, Na Uy và Hà Lan dự kiến đi vào hoạt động.
Ngoài ra, liên minh quân sự này đã nhất trí thành lập một lực lượng phản ứng nhanh tạm thời. Đơn vị đầu tiên sẽ được thành lập và hoạt động vào năm 2015. Lực lượng tạm thời sẽ được thay thế bằng một đơn vị thường trực vào năm 2016. Với lực lượng này, ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ bảo vệ đồng minh và hỗ trợ đối tác”.
Trong cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã kêu gọi các nước đóng góp công bằng cho liên minh quân sự và lưu ý rằng “không thể có an ninh giá rẻ trong thế kỷ 21 này”.
Các ngoại trưởng NATO cũng bàn đến các vấn đề quan trọng khác ngoài Ukraine, trong đó nhất trí thành lập một phái bộ cố vấn ở Afghanistan từ ngày 1/1/2015 khi sứ mệnh chiến đấu của NATO ở nước này kết thúc. NATO trước đó đã nhất trí với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani về việc thành lập phái bộ này. Phái bộ có nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn, gồm 12.500 binh sĩ, phần lớn là binh sĩ Mỹ và sẽ ở lại Afghanistan thêm vài năm nữa.
Thùy Dương