Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thông qua Kế hoạch hành động nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của liên minh. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố như vậy sau phiên họp đầu tiên của Hội đồng NATO ở cấp cao nhất tại Wales (Anh) ngày 5/9.
Các nhà lãnh đạo NATO trong cuộc họp về tình hình Afghanistan trong khuôn khổ của Hội nghị. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo kế hoạch này, trong thành phần Lực lượng phản ứng nhanh của NATO sẽ thành lập Nhóm tiên phong đặc biệt với lực lượng vài nghìn người có khả năng triển khai tại bất kì nơi nào trên thế giới trong vòng 2 ngày. Địa điểm đặt căn cứ của Nhóm tiên phong chưa được xác định.
Ông Rasmussen cũng cam kết NATO sẽ mở rộng cơ sở hạ tầng chỉ huy và hậu cần tại Đông Âu nhằm đảm bảo điều kiện triển khai nhanh các lực lượng hải quân, không quân và lục quân. Ông Rasmussen nhấn mạnh các biện pháp được NATO thống nhất cần cảnh báo rằng kẻ thù tiềm tàng của các nước NATO sẽ bị toàn liên minh chống lại. Ông Rasmussen khẳng định Hiệp ước cơ sở Nga-NATO 1997 vẫn có hiệu lực. Đây là hiệp ước cơ sở cho quan hệ Nga với NATO trong đó qui định nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong chính sách đối ngoại và tuyên bố Nga và NATO không coi nhau là kẻ thù.
Các biện pháp khác được thông qua gồm chi tiêu quân sự của tất cả các thành viên NATO sẽ tăng lên 2% GDP, hỗ trợ đào tạo quân đội cho các nước đồng minh ngoài NATO như Jordan, Gruzia và Iraq.
Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch OSCE, Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter, nhấn mạnh giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine và khôi phục ổn định tại châu Âu không thể không có sự tham gia của nước Nga. Ông cho rằng cần để không gian đối thoại và khả năng hợp tác để giải quyết bất đồng, và rằng cô lập Nga không giải quyết bất kì vấn đề nào mà chỉ tạo thêm vấn đề ở châu Âu cũng như bên ngoài.
Hội nghị thượng đỉnh NATO lần tới sẽ tổ chức tại Warsaw (Ba Lan) vào năm 2016.
Ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố về kết quả của hội nghị này, trong đó nêu rõ cuộc tập trận của NATO tại Ukraine trước cuối năm 2014 sẽ làm gia tăng căng thẳng.
Tuyên bố nêu rõ kết quả cuộc họp cho thấy NATO mà chính sách do Mỹ và nhóm "diều hâu" tại một số nước châu Âu chi phối đang tìm cách thống trị về quân sự tại châu Âu, bất chấp các thỏa thuận đạt được tại các cấp khác nhau về việc cần thiết lập hệ thống an ninh công bằng. Nỗ lực của cộng đồng quốc tế chống lại các nguy cơ và thách thức hiện nay như khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt, buôn bán ma túy, cướp biển, thiên tai và thảm họa cũng bị hy sinh cho tham vọng này. Tuyên bố cho rằng Hội nghị đã chủ trương đẩy cơ sở hạ tầng NATO về hướng Đông và gia tăng hiện diện quân sự gần biên giới Nga, trong đó vấn đề Ukraine chỉ là cái cớ.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, NATO vẫn không thay chính sách can thiệp vào nước khác từ thời Chiến tranh lạnh và đang tìm kiếm vai trò và vị thế của mình trong hệ thống an ninh toàn cầu khi không còn đối đầu quân sự giữa các khối. Các tuyên bố tại hội nghị về tình hình Ukraine cùng với các kế hoạch tập trận chung với Kiev trên lãnh thổ nước này trước cuối năm 2014 chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng, đe dọa phá vỡ tiến bộ mới đạt được trong tiến trình hòa bình ở Ukraine, làm chia rẽ sâu sắc thêm xã hội Ukraine, chứng tỏ NATO ủng hộ vô điều kiện các lực lượng cực đoan và phát xít mới tại Ukraine, trong đó có đảng Cánh hữu.
TTXVN/ Tin tức