Khi biết mình có thai, bạn cần đi khám thai sớm, nên đi khám thai ít nhất ba hoặc bốn lần trong thời gian mang thai (một lần vào ba tháng đầu, một lần vào ba tháng giữa và một hoặc hai lần vào ba tháng cuối).
Những lần khám thai giúp cho bạn biết thai nhi có phát triển bình thường không hoặc người mẹ có bệnh gì hay có khó khăn gì cần phải xử trí không. Khám thai cũng giúp cho bạn biết bạn sẽ đẻ thường hay sẽ cần những can thiệp đặc biệt (như mổ đẻ). Vì vậy, trong những lần đi khám thai vào ba tháng cuối, thai phụ nên hỏi ý kiến bác sĩ để chọn nơi sinh thích hợp.
Tiêm vắcxin phòng uốn ván hai lần. Mũi thứ nhất cần được tiêm càng sớm càng tốt (thường tiêm khi bạn đi khám thai lần thứ nhất). Mũi thứ hai cách mũi thứ nhất ít nhất một tháng và muộn nhất là trước khi đẻ một tháng.
Đặc biệt, thai phụ cần ăn uống đầy đủ, không những cho bản thân mình mà còn vì sự phát triển của con bạn. Vì vậy bạn nên uống nhiều nước và ăn đủ thức ăn, đặc biệt là những thức ăn cần thiết. Khi có thai nhu cầu sắt của người phụ nữ thường cao gấp đôi hoặc gấp ba bình thường, vì vậy phụ nữ có thai thường hay bị thiếu máu. Ðể tránh thiếu máu, bạn cần ăn các loại thức ăn có nhiều chất sắt như: Thịt nạc, gan, rau xanh và uống viên sắt theo chỉ dẫn của bác sĩ và nữ hộ sinh. Mỗi đêm nên ngủ ít nhất là 8 tiếng. Nghỉ ngơi đủ để bạn cảm thấy thoải mái, ví dụ như mỗi ngày nằm nghỉ một giờ vào buổi trưa.
Ðể tạo điều kiện cho nuôi con bằng sữa mẹ sau này, thai phụ nên tự chăm sóc vú từ khi đang có thai bằng cách lau rửa đầu vú nhẹ nhàng hàng ngày. Một số ít phụ nữ có núm vú ngắn dẹt hoặc lõm vào trong. Nếu bạn có núm vú lõm như vậy thì nên bóp và kéo núm vú nhẹ nhàng dần dần ra phía ngoài. Bạn nên làm như vậy vài phút mỗi ngày để con bạn sau này bú mẹ được dễ dàng hơn. Tập thể dục đều đặn, nhẹ nhàng. Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, đi giày dép thấp.
Phương Liên(tổng hợp)