Đạo diễn, NSƯT Phạm Nhuệ Giang xuất thân từ con nhà nòi, mẹ chị là nghệ sĩ Bích Châu, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam và cha là đạo diễn lão thành của điện ảnh cách mạng Việt Nam, NSND Phạm Văn Khoa, người nổi tiếng với những phim truyện nhựa đình đám một thời như “Chị Dậu”, “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Chồng chị là đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân. Sống trong cái nôi nghệ thuật từ nhỏ đến lớn, nhưng chị đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều.
Đạo diễn, NSƯT Nhuệ Giang. |
Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở phố Phan Chu Trinh (Hà Nội), đạo diễn Nhuệ Giang đã chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống và những nỗ lực của mình để có được thành công như hôm nay.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, nhưng ban đầu Nhuệ Giang không định theo đuổi môn nghệ thuật thứ bảy. Tốt nghiệp cấp 3, chị đã chọn thi vào trường Đại học Xây dựng. Ra trường, sau 2 năm làm kỹ sư xây dựng, chị thấy cuộc sống rất mệt mỏi, nhàm chán, nên năm 1983, khi trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh mở lớp đại học đạo diễn đầu tiên, chị đã đăng ký thi tuyển. Khi biết con gái đăng ký thi đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa đã rất lo lắng. “Bố tôi bảo, làm đạo diễn không dễ, nhất là nữ đạo diễn thì càng không dễ dàng. Nhưng may mắn là bố tôi không can thiệp, mà để tôi tự do lựa chọn. Tôi đã thi đỗ, rồi đâm lao theo lao, đỗ thì học, học thì ra làm và phải làm bằng được”, đạo diễn Nhuệ Giang tâm sự.
Đến với nghề đạo diễn như một cơ duyên, nhưng công việc của chị không dễ dàng gì. Đạo diễn Nhuệ Giang chia sẻ, thời kỳ đầu làm việc, chị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chị lại thuộc típ phụ nữ nhỏ nhẹ, không ồn ào, không phải là người có thể “ăn to nói lớn” như những người khác. Thêm vào đó, đối với nghề đạo diễn, trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, người ta vẫn thường tin tưởng đàn ông hơn nhiều, có lẽ bởi nhiều người còn có phần khá nặng nề về quan điểm người đàn ông thường có lợi thế hơn cả về trí tuệ, sức lực cũng như khả năng làm việc tại hiện trường. Chính vì thế mà nữ đạo diễn vẫn thường khó khăn hơn khi mới vào nghề. Nhưng rồi bằng những nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác, chị đã từng bước vượt qua khó khăn và chứng tỏ khả năng của mình với mọi người.
Trong cuộc sống, chị là người phụ nữ nhẹ nhàng, dễ gần, nhưng trong công việc, chị “nổi tiếng” là người khắt khe. Chị cẩn thận, tỉ mỉ trong từng cảnh diễn, từng đúp quay, nên những bộ phim do chị đạo diễn đều thu hút được người xem và nhiều phim đã giành giải thưởng cao. Phim “Thung lũng hoang vắng” của chị đã đoạt giải Bông sen bạc tại LHP Quốc gia lần thứ 13 (năm 2001) và giải Fipresci cho các đạo diễn trẻ châu Á của Liên đoàn các nhà phê bình phim quốc tế tại LHP Quốc tế Melbourne lần thứ 51 (năm 2002); phim truyền hình “Hậu họa” (năm 2007) đoạt giải phim hay nhất Liên hoan truyền hình toàn quốc, Cánh diều vàng Hội điện ảnh; phim truyền hình “Khoan nói lời yêu thương” đoạt giải Cánh diều vàng cho đạo diễn và phim năm 2009. Gần đây nhất, phim “Lạc lối” của chị được giải Cánh diều bạc của Hội điện ảnh Việt Nam năm 2013. Bộ phim truyền hình dài tập "Trò đời" của chị đã được đông đảo khán giả theo dõi màn ảnh nhỏ ưa thích, trở thành một “hiện tượng” cho phim truyền hình Việt Nam năm 2013.
“Quan điểm của tôi là luôn làm hết mình với một lương tâm nghề nghiệp trong sáng, làm sao cho xứng tầm với những tác phẩm của mình”, đạo diễn Nhuệ Giang tâm sự.
Chia sẻ về những khó khăn của người phụ nữ khi làm đạo diễn, đạo diễn Nhuệ Giang cho biết, khó nhất là có thể vẹn toàn được cả công việc và gia đình. Phụ nữ đi làm phim, không riêng gì đạo diễn mà cả những người làm công việc hóa trang, phục trang… luôn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những người có con nhỏ, thì là cả một sự đấu tranh và phải hy sinh rất nhiều, con cái thường hay bị bỏ mặc, vì công việc làm phim “ngốn” mất rất nhiếu thời gian, trí tuệ và sức lực. “Có khi quay một bộ phim mất tới 4 tháng, thì cũng chừng ấy thời gian tôi xa nhà. Trong 4 tháng ấy, bữa ăn của chồng tôi ở nhà chủ yếu là mỳ tôm. Cũng may là vợ chồng tôi khá tự do, chủ động trong công việc nên mới có thể chấp nhận được chuyện ấy. Với lại vợ chồng tôi không có con, nên cũng đơn giản hơn, chứ với những người phụ nữ có con nhỏ, thì không biết sẽ vất vả nhường nào”, nữ đạo diễn chia sẻ.
Đúng là làm nữ đạo diễn rất khó, bằng chứng là có rất nhiều người theo học các khóa đạo diễn, nhưng đến nay, những người ra nghề và thành công với nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bởi để cho ra đời một bộ phim là rất khó khăn.
Đạo diễn Nhuệ Giang tâm sự: “Thời kỳ đầu, khi làm giám khảo các liên hoan phim, tôi thấy nhiều nữ đạo diễn trẻ rất có tài năng, tôi đã chờ đợi những tài năng đó tỏa sáng. Nhưng rồi tôi đợi mãi mà không thấy tên tuổi nữ đạo diễn nào xuất hiện, tôi cảm thấy rất tiếc. Tiếc là các em không dám dấn thân, không dám mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình, vội vã chạy theo việc làm kinh tế, mà không dành thời gian để theo đuổi đam mê, để tài năng phát triển. Đó là điều đáng tiếc và lãng phí vô cùng. Tôi mong rằng, với những em thực sự có tài năng, hãy cố gắng hơn nữa. Phải thực sự đam mê, phải dũng cảm, phải có hy sinh thì sẽ đạt được thành công”.
Bài và ảnh: Phương Lan