Các nước phương Tây là ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) vẫn tiếp tục áp dụng "tiêu chuẩn kép" khi thảo luận về vấn đề Syria. Bộ Ngoại giao Nga ngày 8/7 đã đưa ra khẳng định trên khi bình luận về một dự thảo tuyên bố đang được Hội đồng Bảo an LHQ xem xét liên quan tới tình hình tại thành phố Homs của Syria.
Theo hãng tin Nga ITAR-TASS, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ đây không phải lần đầu tiên các nước phương Tây tại Hội đồng Bảo an thể hiện quan điểm mang tính định kiến và thiếu khách quan như vậy khi đánh giá tình hình Syria. Các nước này nhiều lần tỏ ý không muốn lên án các vụ khủng bố ở Syria, mà lại tìm cách biện hộ cho hành động của các nhóm vũ trang đối lập ở nước này.
Khói đen bốc lên trong xung đột giữa quân chính phủ và lực lượng nổi dậy tại thị trấn al-Hula, thành phố Homs ngày 2/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow kêu gọi tất cả các bên liên quan tích cực tập trung tìm kiếm giải pháp chính trị-ngoại giao cho cuộc xung đột tại Syria, trong đó có sáng kiến của Nga và Mỹ đưa ra ngày 7/5 vừa qua về tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm thúc đẩy cuộc đối thoại giữa các phe phái ở nước này.
Trước đó, Australia và Luxembourg đã đệ trình một dự thảo tuyên bố của Hội đồng Bảo an, trong đó bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" về chiến dịch của quân chính phủ Syria bao vây thành phố Homs ở miền trung Syria, được coi là là căn cứ then chốt của lực lượng chống đối Tổng thống Bashar al-Assad.
Cũng trong ngày 8/7, các nguồn tin tại chỗ cho biết quân đội Syria đã tiến được vào quận Khaldiyeh thuộc thành phố Homs, trong ngày thứ 10 của chiến dịch tấn công dữ dội nhằm vào lực lượng chống đối.
Đây được cho là cuộc tấn công ác liệt nhất của quân đội Syria tại thành phố Homs kể từ khi bắt đầu phong trào nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad hồi tháng 3/2011.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết hai vụ đánh bom xe đã xảy ra tại quận Akrameh ở Homs làm vài người thiệt mạng. Theo thống kê của LHQ, cuộc xung đột tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 80.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Cùng ngày, đảng Baath cầm quyền tại Syria do Tổng thống al-Assad đứng đầu thông báo ban lãnh đạo hàng đầu của đảng sẽ được thay thế, trong đó có Phó Tổng thống Farouk al-Sharaa.Trang web của đảng Baath cho biết ủy ban trung ương đảng đã tiến hành một cuộc họp vào sáng 8/7, trong đó "chọn ra ban lãnh đạo quốc gia mới".
Trang web công bố tên 16 thành viên của ban lãnh đạo mới, trong đó không có một gương mặt cũ nào ngoài Tổng thống Assad, người tiếp tục giữ chức Tổng bí thư của đảng. Trong số những người được bầu vào ban lãnh đạo mới có Chủ tịch Quốc hội Jihad al-Laham và Thủ tướng Wael al-Halqo. Đảng Baath lên cầm quyền từ ngày 8/3/1963 và là chính đảng quyền lực nhất tại Syria.
Ông Ghassan Hitto dự lễ khánh thành đại sứ quán đầu tiên của SNC tại Qatar ngày 27/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một diễn biến khác, ngày 8/7, ông Ghassan Hitto, nhân vật từng được Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập bầu làm thủ tướng để lãnh đạo chính phủ lâm thời của phe đối lập, đã thông báo từ chức. Ông Hitto được bầu làm thủ tướng chính phủ lâm thời của phe đối lập Syria trong một cuộc họp của SNC hồi tháng 3 vừa qua, nhưng đến nay vẫn không thể thành lập được chính phủ.
TTXVN/Tin tức