Nga cho phép Snowden tị nạn tạm thời

Đơn xin tỵ nạn chính trị của Edward Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, đã được Nga phê duyệt và Snowden cũng đã rời khỏi khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo ngày 1/8.


Rời nơi ẩn náu


Hãng tin Itar-tass của Nga dẫn lời luật sư đại diện của Snowden, ông Anatoly Kucherena, cho biết sở di trú Nga đã cho phép Snowden tị nạn trong thời hạn 1 năm. Hiện anh này đã rời khỏi sân bay, song ông Kucherena từ chối tiết lộ nơi ở của thân chủ vì lý do an ninh. Ông cũng đã bắt đầu làm thủ tục xin thị thực cho bố của Snowden vào Nga gặp con trai.


 

Tướng Keith: Chương trình giám sát mật giúp Mỹ phát hiện 54 âm mưu khủng bố.

 

Trước đó, tại Mỹ, bố của Snowden cho biết Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã gặp và đề nghị ông bay đến Nga động viên Snowden trở về Mỹ. Tuy nhiên, ông từ chối với lý do không chắc mình có thể gặp và nói chuyện được với con trai hay không. Và khi ông yêu cầu nhân viên FBI hỗ trợ liên lạc với Snowden thì họ đã tỏ ra ngập ngừng. Điều này khiến ông nghi ngờ. Ông nói: "Tôi không muốn mình trở thành một công cụ tình cảm để họ lợi dụng chống lại con trai tôi".


Snowden đang bị chính quyền Mỹ truy lùng gắt gao và cáo buộc hoạt động gián điệp, trộm cắp tài sản nhà nước sau khi anh này tiết lộ chương trình do thám tối mật của chính phủ Mỹ có tên gọi PRISM. Vụ việc đẩy Nga vào thế khó xử sau khi Snowden nộp đơn xin tị nạn tại đây. Luật sư Kucherena đã trao đổi với luật sư đại diện cho bố Snowden và hai người thống nhất sẽ cùng nhau tìm hướng giải quyết sự việc sao cho có lợi cho cả nước Mỹ, cha con Snowden và Nga.


Ngày 31/7, Snowden một lần nữa lại chọc giận Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) khi tiếp tục tiết lộ thêm một chương trình thu thập tin tức của cơ quan này có tên XKeyscore. Chương trình này cho phép các nhân viên tình báo dễ dàng theo dõi mọi hành vi của một người trên mạng Internet như lịch sử lướt web, tìm kiếm thông tin, email, chat và nhiều hơn thế... Và đương nhiên, chương trình này không cần được cấp lệnh khám xét.


Mỹ tiếp tục bảo vệ quan điểm


Trong khi đó, chính phủ Mỹ ngày 31/7 tiếp tục công bố các tài liệu liên quan đến chương trình giám sát điện thoại, mạng thư tín của NSA, nhằm giải thích trước cáo buộc của công chúng và giới lập pháp nước này về việc chính phủ đã xâm phạm quyền tự do cá nhân.


Nổi bật trong số đó là thông tin về Tòa án giám sát tình báo nước ngoài (FISA). Theo đó, mọi chương trình, hoạt động do thám từ phía Chính phủ đều phải được sự đồng ý của FISA. Thứ trưởng Tư pháp James Cole giải thích việc giám sát mạng điện thoại được thực hiện chặt chẽ, chỉ tiến hành thu thập, lưu trữ thông tin các cuộc gọi của số thuê bao thuộc diện tình nghi có liên quan đến một số tổ chức khủng bố nhất định.


Cũng trong ngày 31/7, phát biểu tại “Hội nghị Hacker chuyên nghiệp” thường niên ở Las Vegas, Tướng Keith Alexander, Giám đốc NSA khẳng định, nhờ có chương trình giám sát ngầm, các cơ quan an ninh đã khám phá ra 54 âm mưu tấn công vào các mục tiêu tại Mỹ và các nước đồng minh, giúp bảo vệ an toàn cho nước Mỹ.

 

Hoàng - Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN