Thỏa thuận trong cuộc đàm phán "nước rút" hiện nay giữa Iran và nhóm P5+1 (5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) sẽ không có chữ kí, mà để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran cần phải có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Đây là tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 21/11.
Ông Ryabkov nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ giống như kế hoạch hành động chung năm 2013, được thông qua bởi sự nhất trí, sau đó để nó có tính ràng buộc pháp lí cần phải thông qua ít nhất một nghị quyết của HĐBA LHQ. Ông Ryabkov cho rằng các bên tham gia đàm phán không nên bỏ lỡ thời gian để cuộc đàm phán có thể thành công.
Theo ông, việc các ngoại trưởng quyết định ở lại Vienna (Áo) cho thấy cuộc đàm phán có thể thành công, tuy nhiên cần phải có nhân nhượng từ cả hai phía. Nga cũng cho rằng gây áp lực lên các bên đàm phán thông qua truyền thông là điều không thể chấp nhận được. Ông Ryabkov cũng cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang xem xét khả năng tới Vienna tùy thuộc vào tình hình đàm phán.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. |
Về phía Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ ở lại Vienna ít nhất cho hết ngày 22/11 để tiếp tục tham vấn với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif và đại diện đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton. Ngoài ra dự kiến ông Kerry cũng sẽ tham vấn với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius.
Về phía Iran, các nguồn tin cho biết ông Zarif cũng quyết định ở lại Vienna mà không quay trở về Tehran theo kế hoạch. Tuy nhiên ông cho biết trong những ngày qua đã diễn ra các cuộc thảo luận tích cực nhưng nhóm P5+1 chưa đưa ra đề xuất nào đáng kể đối với Iran.
Trong khi đó, cùng ngày 21/11, tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz cho biết vẫn còn "những bất đồng nghiêm trọng" cần phải vượt qua trong cuộc đàm phán nước rút với Iran ở Vienna nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài 12 năm qua liên quan đến chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Thông qua các cuộc đàm phán, nhóm P5+1 đã đưa ra một số đề xuất vừa đáp ứng được những mục tiêu then chốt của các cường quốc, đồng thời vẫn phù hợp với nguyện vọng phát triển chương trình hạt nhân với mục đích dân sự của Tehran. Tuy nhiên, ông Schultz thừa nhận "vẫn còn tồn tại một số bất đồng nghiêm trọng" giữa các bên và các nhà đàm phán vẫn đang làm việc tích cực để thu hẹp bất đồng nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân lâu dài trước thời hạn chót là ngày 24/11 tới.
Trong khi đó tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định "tất cả các yếu tố đã được đặt sẵn trên bàn” đàm phán để đạt được một thỏa thuận và điều duy nhất còn thiếu là "ý chí chính trị".
Hiện Iran và Nhóm P5+1 vẫn bất đồng trong hai vấn đề: hoạt động làm giàu urani của Iran và tốc độ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Tehran. Phương Tây muốn Iran giảm một nửa số máy li tâm làm giàu urani nước này hiện có, và đổi lấy sự cắt giảm trên, Tehran đòi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nước này.
Khi các nhà ngoại giao hàng đầu Iran và phương Tây đang nhóm họp ở Vienna để tìm cách hóa giải bất đồng trong vấn đề hạt nhân, ngày 21/11, truyền thông Iran đưa tin Tehran sẽ cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thanh sát một cơ sở quân sự tại thành phố Marivan ở miền Tây nước này.
Phát biểu trên kênh truyền hình "Press TV", đại diện của Iran tại IAEA Reza Najafi tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này "tình nguyện cho phép" các thanh sát viên quốc tế tiếp cận cơ sở quân sự nói trên, nằm cách thủ đô Tehran hơn 700 km về phía Tây. Một báo cáo năm 2011 của IAEA khẳng định cơ quan này có thông tin về các vụ thử hạt nhân, trong đó có các vụ nổ quy mô lớn, tại cơ sở Marivan. Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ cáo buộc "bịa đặt và vô căn cứ" này. Trước đó hôm 20/11, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano đã kêu gọi Iran hợp tác bằng cách cho phép tổ chức này tiếp cận các tài liệu, cơ sở hạt nhân, trang thiết bị và những cá nhân có liên quan.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 21/11 đã gia hạn lệnh cấm nhập khẩu dầu và sản phẩm dầu của Iran, tuy nhiên người phát ngôn Nhà Trắng Josh Ernest cho biết Mỹ tạm thời sẽ không sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm hạn chế các nước khác mua dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Iran.
TTXVN/Tin tức