Nga vẫn cần châu Âu để bán khí đốt

Việc Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc theo thỏa thuận "khủng" vừa mới ký kết giữa hai nước sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng nhanh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Tuy nhiên, châu Âu vẫn là khách hàng tiêu thụ nhiều khí đốt nhất của Nga trong những năm tới.

 

Ảnh: AFP/TTXVN

Nga và Trung Quốc mới đây đã ký kết thỏa thuận mua bán khí đốt sau 10 năm đàm phán, theo đó Nga - nước có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới - sẽ cung cấp cho Trung Quốc thông qua đường ống từ Siberia. Thỏa thuận này có ý nghĩa rất lớn với cả hai nước. Đối với Trung Quốc, thỏa thuận sẽ thúc đẩy chính sách sử dụng nhiều khí đốt hơn thay vì than đá. Trong khi đó, thỏa thuận đánh dấu bước tiến mới của Nga trong chiến lược chuyển hướng xuất khẩu khí đốt sang phía Đông, trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và châu Âu - khách hàng lớn nhất của Nga hiện nay - đang trở nên căng thẳng, nhất là sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva do khủng hoảng Ukraine.


Về mặt ngoại giao, thỏa thuận cũng mang lại cơ hội thể hiện sự đoàn kết giữa Nga và Trung Quốc khi căng thẳng giữa Moskva và phương Tây ngày càng leo thang. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc tỷ m3 khí đốt/năm trong vòng 30 năm. Mặc dù hai bên đã đạt được sự đồng thuận về đường ống dẫn khí từ năm ngoái, nhưng bất đồng về giá cả khiến cho việc ký kết thỏa thuận bị lùi lại. Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Gazprom Alexey Miller cho biết tổng giá trị của hợp đồng lên tới 400 tỷ USD. Như vậy, theo ước tính, Nga sẽ bán khí đốt cho Trung Quốc với giá 350 USD/1.000 m3 - tương đương với giá mà Nga bán cho châu Âu. Gazprom sẽ chịu chi phí phát triển các mỏ ở Đông Siberia để cung cấp khí đốt cho đối tác là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC). Trong khi đó, Trung Quốc sẽ phải đầu tư 20 tỷ USD xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng cần thiết trên lãnh thổ nước này để phục vụ dự án.


Đây là thỏa thuận có ý nghĩa dài hạn đối với Trung Quốc, trong bối cảnh nhu cầu khí đốt của nước này đang gia tăng nhanh chóng bởi các nhà hoạch định chính sách muốn thay thế một phần than đá bằng khí đốt trong ngành năng lượng. Theo dự báo, mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc sẽ tăng hai con số ngay trong thập kỷ này. Với thực tế khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) khá đắt do nhu cầu tăng cao ở châu Á thì khí đốt của Nga là lựa chọn hợp lý đối với Trung Quốc. Về phần mình, Nga muốn đa dạng hóa nguồn khách hàng của nước này và khai thác các thị trường đang tăng trưởng nhanh ở châu Á. Lâu nay, Gazprom đã có ý định xuất khẩu nhiều khí đốt hơn sang các thị trường châu Á và thỏa thuận với Trung Quốc sẽ giúp tập đoàn thúc đẩy nhanh kế hoạch khai thác các mỏ ở phía Đông nước Nga. Ngoài những tính toán theo định hướng thị trường này, quan hệ căng thẳng với châu Âu cũng là yếu tố khiến Nga đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc. Châu Âu cũng đang nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung thay thế khí đốt từ Nga - hiện đáp ứng khoảng 25% nhu cầu của các nước trong khu vực.


Theo các nguồn tin, Trung Quốc sẽ thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng nhân dân tệ thay vì USD. Điều này có thể giúp Nga hạn chế các giao dịch bằng USD và do đó sẽ hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Rõ ràng, đây được coi là thỏa thuận lịch sử trong lĩnh vực năng lượng của thế giới. Lượng khí đốt mà Nga bán cho Trung Quốc sẽ được khai thác từ các mỏ mới và sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung cho châu Âu. Mặc dù chính phủ nhiều nước châu Âu muốn giảm sự phụ thuộc vào Nga, nhưng các nhà máy và doanh nghiệp tư nhân vẫn ưa chuộng khí đốt của Nga vì giá rẻ hơn so với các lựa chọn khác. Vì những lí do này, châu Âu vẫn là khách hàng quan trọng nhất của Nga trong nhiều năm tới. Chỉ tính riêng năm ngoái, châu Âu nhập khẩu tới 161,5 tỷ m3 khí đốt từ Nga, gấp hơn bốn lần lượng khí đốt mà Nga dự kiến sẽ bán cho Trung Quốc thông qua đường ống mới.


Huy Hiệp (Theo EIU)

Lãnh đạo Đức - Nga lạnh mặt nhìn nhau
Lãnh đạo Đức - Nga lạnh mặt nhìn nhau

Bên lề Lễ kỷ niệm ngày "D-Day" khi quân đồng minh đổ bộ xuống Normandy, Thủ tướng Đức và Tổng thống Nga đã gặp nhau để thảo luận về tình hình Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN