Để phát hiện những hành vi trục lợi bảo hiểm không phải dễ khi thủ đoạn ngày càng tinh vi, có hệ thống và có tổ chức hơn.
Ngày càng tinh vi
Gần đây nhất, để trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT), Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) đã làm “khống” hơn 2.000 xét nghiệm, với thiệt hại ước tính ban đầu cho quỹ BHYT hơn 70 triệu đồng. Tại Bệnh viện Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh), dù không có người bệnh, nhưng 3 bác sĩ đã kê hàng trăm đơn thuốc cho người “mượn” thẻ BHYT đi khám chữa bệnh để trục lợi bảo hiểm.
Những người đóng bảo hiểm chân chính sẽ bị ảnh hưởng từ hành vi trục lợi bảo hiểm. |
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư kí Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, cho rằng tình trạng gian lận trong bảo hiểm ngày càng tăng về số lượng lẫn hình thức, với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp bảo hiểm lẫn người tham gia bảo hiểm chân chính. Theo thống kê của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, số vụ nghi vấn trục lợi bảo hiểm chiếm khoảng 10% số hồ sơ yêu cầu bồi thường. Trong số nghi vấn này, Hiệp hội phát hiện ra khoảng 50%, còn 50% khó có thể tìm được lý do từ chối bồi thường. “Nguyên nhân do sức ép theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm là khi nhận được đầy đủ hồ sơ, chứng từ thì trong vòng 15 ngày phải giải quyết bồi thường, nếu từ chối bồi thường phải có văn bản và nêu rõ lý do, nên không có đủ thời gian điều tra, thẩm tra kỹ càng các hồ sơ nghi vấn”, ông Lộc nói.
Hiện hai lĩnh vực đang bị trục lợi bảo hiểm nhiều nhất là BHYT và bảo hiểm xe cơ giới. Theo đó, trong lĩnh vực xe cơ giới thường là khi tai nạn xảy ra mới mua bảo hiểm hoặc tai nạn xảy ra thì lập hiện trường giả để cho tổn thất lớn hơn hoặc không được bảo hiểm thì được bảo hiểm; có trường hợp tài xế không có bằng, không được bảo hiểm nhưng sau ít phút khi tai nạn xảy ra có tài xế khác thay thế... Trong lĩnh vực y tế, hành vi trục lợi thường là kê khai xét nghiệm, chụp X quang không cần thiết như: bệnh nhân đau mắt mà bắt xét nghiệm nước tiểu, tim, gan... hoặc đã chụp X - quang lại cho chụp CT hoặc MRI, đã siêu âm ổ bụng rồi nhưng lại cho chụp CT ổ bụng; kê đơn thuốc có 2 - 3 loại thuốc giống nhau hoặc kéo dài thời gian nằm điều trị của bệnh nhân...
Giám sát từng khâu
Theo ông Lộc, với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường bảo hiểm và mức độ, cách thức trục lợi cũng ngày càng tinh vi hơn, do đó chính các công ty, doanh nghiệp bảo hiểm phải có biện pháp phòng chống là chính. Theo đó, các công ty, doanh nghiệp bảo hiểm cần phòng chống ngay từ khâu khai thác, phải xác định tài sản không bị hư hỏng gì, đánh giá rủi ro rồi mới tham gia, chấp nhận bảo hiểm. Chẳng hạn như không để tình trạng xe ô tô đã bị hư hỏng rồi mới đi mua bảo hiểm. Trong khâu quản lý khách hàng, cần phải đánh giá phân biệt được những khách hàng nào hay xảy ra rủi ro, tiềm ẩn những rủi ro như thế nào để có cảnh báo giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau. Cuối cùng, khâu giám định cần phải phối hợp với lực lượng công an. Bởi chỉ có lực lượng này mới có quyền điều tra, xác định vi phạm của các cơ sở, công ty, cá nhân... có hành vi trục lợi bảo hiểm.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh, cho rằng thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển với nhiều tiềm năng, tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đóng góp hơn 100.000 tỷ đồng vào ngân sách. Tuy nhiên, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn non trẻ và đang bộc lộ những khuyết điểm, đặc biệt tình trạng trục lợi bảo hiểm có chiều hướng gia tăng mạnh trong thời gian qua. Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng này, không chỉ doanh nghiệp có biện pháp chống mà ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên xây dựng chế tài, cơ sở pháp lý nhằm đưa hành vi trục lợi ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết