Các ngân hàng hàng đầu đang nắm giữ nhiều nợ của Hy Lạp đã nhóm họp tại trụ sở của Ngân hàng Pháp BNP Paribas ở Pari dưới sự bảo trợ của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), để bàn thảo cách chia sẻ phần đóng góp vào gói cứu trợ tài chính mới cho Hy Lạp sau khi các hãng xếp hạng tín dụng quốc tế liên tục đưa ra cảnh báo mới về tình hình Hy Lạp và đánh tụt hạng tín dụng của Bồ Đào Nha.
Vấn đề then chốt, vốn làm Eurozone lùi thời hạn đưa ra quyết định về gói cứu trợ mới cho Hy Lạp tới tận tháng 9, là các ngân hàng sẽ chia sẻ như thế nào gánh nặng chi phí cứu trợ mà không châm ngòi cho đợt vỡ nợ nguy hiểm trên khắp các thị trường tài chính.
Cuộc họp trên là diễn biến mới nhất trong số các hoạt động mang tính kỹ thuật về cách thức xây dựng các điều khoản quy định sự tham gia của những người nắm giữ trái phiếu tư nhân trong gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp. Một ngân hàng Pháp giấu tên cho hay đây là cuộc họp kỹ thuật và chắc chắn sẽ còn nhiều cuộc họp khác nữa. Tuy nhiên, các nguồn tin tỏ ra hoài nghi cuộc họp khó có thể đạt được kết quả tích cực và không thể đưa ra bất cứ tuyên bố nào sau cuộc họp.
Tân Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin cho biết gói cứu trợ dành cho Hy Lạp phải sẵn sàng trong tháng 9 và Eurozone vẫn còn "vài tuần" để soạn thảo về cách thức tham gia của các ngân hàng tư nhân.
Hôm 1/7, IIF khẳng định cộng đồng tài chính quốc tế đã sẵn sàng tham gia sáng kiến tư nhân để hỗ trợ Hy Lạp. IIF cũng đang đề xuất một vài lựa chọn dành cho gói cứu trợ mới, nhất là việc đảo nợ của Hy Lạp, tương tự đề xuất mà Hiệp hội Ngân hàng Pháp đưa ra trước đó. Sau đó sang ngày 2/7, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã thông qua đợt giải ngân thứ 5 cho Hy Lạp.
Quyết định đó đã làm các thị trường tài chính "thở phào", nhưng sang đầu tuần này Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's đã làm thị trường choáng váng khi tuyên bố các đề xuất mới về gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp mà Hiệp hội Ngân hàng Pháp đưa ra có thể đẩy họ tới bờ vực vỡ nợ. Thậm chí Ngân hàng Trung ương châu Âu còn cho rằng việc tái cơ cấu nợ đẩy Hy Lạp vào cảnh vỡ nợ có thể dẫn tới việc ngừng luôn tài trợ cho hệ thống ngân hàng của nước này.
Thêm một đòn nữa giáng vào thị trường cuối ngày 5/7 khi Hãng xếp hạng tín dụng Moody's Investors Service đã hạ mức đánh giá tín dụng của Bồ Đào Nha 4 bậc, xuống còn Ba2, trong bối cảnh nước thành viên Eurozone này đang ngập trong nợ nần và đã phải nhờ tới sự cứu trợ hồi đầu năm nay. Không chỉ vậy, Moody's còn cảnh báo có thể sẽ tiếp tục hạ mức đánh giá tín dụng đối với Bồ Đào Nha trong thời gian tới.
TTXVN/Tin tức