Sau khi các ngân hàng lớn như VIB, BIDV, VCB, Agribank, Vietinbank hạ lãi suất cho vay, mới đây Ngân hàng Tienphongbank cũng công bố gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi trị giá 1.000 tỉ đồng với lãi suất dao động từ 15 -18%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn còn dè dặt và chỉ dành cho các doanh nghiệp (DN) có uy tín, DN thuộc lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu…
Điều kiện chặt chẽ
Có thể nói, việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thật sự là tín hiệu vui cho các DN cần vốn để tái sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trước sự siết chặt tín dụng cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc giảm lãi suất cho vay của ngân hàng chỉ ở mức nhẹ, từ 0,5 - 1,5%/năm.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận được vốn vay ưu đãi. |
TS.Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh nhận định, đợt giảm lãi suất này khó thành một “làn sóng” mạnh mẽ vì phần lớn xuất phát từ một số ngân hàng dư thanh khoản, muốn mở rộng tín dụng. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ vẫn phải “án binh bất động” do kẹt hạn mức tín dụng và nghe ngóng tình hình thị trường. Bên cạnh đó, đối tượng mà các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp rất hạn chế.
TS.Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao BIDV thừa nhận, do ảnh hưởng chung kinh tế toàn cầu trong năm qua, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, có tới gần 50.000 doanh nghiệp đóng cửa, ngừng sản xuất. Chính vì vậy, để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, các tiêu chí và điều kiện vay của ngân hàng đưa ra hết sức chặt chẽ như: DN phải thuộc các lĩnh vực ưu tiên, phải không có nợ quá hạn, phải sử dụng dịch vụ của ngân hàng, đáp ứng đủ năng lực tài chính… Theo đó, trước mắt sẽ không nhiều DN có thể vay vốn giá rẻ.
Doanh nghiệp nhỏ phải chờ
Thực tế, sau khi các ngân hàng giảm lãi suất vay ưu đãi, đã có một số DN tiếp cận được vốn vay. Còn các DN nhỏ vẫn phải chờ đợi.
Đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Kim Châu cho biết, đầu tháng 2 vừa qua công ty phải vay với lãi suất 24%/năm. So với trước Tết, mức lãi suất này chẳng những không giảm mà còn tăng nhẹ. Tương tự, ông Bùi Linh, Giám đốc công ty xuất nhập khẩu mỹ nghệ tại TP.HCM cho biết, dù cố gắng tiếp cận vốn giá rẻ, nhưng công ty vẫn không đủ tiêu chuẩn được hưởng mức lãi suất trên dù vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng, đành ngậm ngùi vay vốn ở mức 24%/năm.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, để các DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn dễ dàng, các ngân hàng thương mại phải cùng nhau hạ lãi suất cho vay, theo đó lãi suất huy động cũng phải giảm. Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện vì hiện đang có “sóng ngầm” tăng lãi suất huy động. Tình trạng này bắt đầu diễn ra khi nhiều ngân hàng thương mại được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở nhóm 1 và 2 (tương đương mức tăng trưởng 17% và 15%).
Trước tình hình trên, ngày 27/2 vừa qua, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi văn bản đến NHNN đưa ra 3 phương án nhằm hạ lãi suất cho vay xuống dưới 10%/năm. Trong đó, phương án 1 được VAFI đưa ra giống như NHNN đang triển khai. Đó là chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước hạ dần lãi suất cho vay, sau đó đến các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Tuy nhiên, VAFI cho rằng phương án này lãi suất cho vay sẽ giảm rất chậm. Dự kiến tới cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 14 - 18%, phổ biến sẽ ở mức từ 15 - 17%; đây vẫn là mức lãi suất cao.
Phương án 2, VAFI đề xuất NHNN nên giảm ngay lãi suất huy động đối với tổ chức gửi tiền xuống mức 11%/năm. Theo thống kê chọn mẫu của VAFI, lượng tiền gửi của tổ chức trong các tổ chức tín dụng chiếm tỷ lệ từ 40 - 55% tổng lượng tiền gửi. Việc giảm ngay lãi suất với đối tượng này sẽ không ảnh hưởng đến trật tự huy động vốn của hệ thống ngân hàng thương mại, cũng như không tác động tới thị trường ngoại tệ. Đồng thời, Hiệp hội đề xuất ban đầu sẽ khống chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ và vàng miếng không quá 1%/năm nhằm làm tăng sức hấp dẫn đối với tiền gửi VND, thúc đẩy tiến trình bán vàng, ngoại tệ cho khối ngân hàng thương mại; đặt ngay trần lãi suất cho vay không quá 18%/năm và sau đó theo tín hiệu thị trường giảm dần lãi suất tiền gửi của dân cư, và hạ tiếp trần lãi suất cho vay. Với phương án này, đến cuối năm 2012, lãi suất cho vay sẽ dao động từ 12-16%, phổ biến sẽ ở mức từ 14 - 15%.
Phương án 3, VAFI đề cập tới việc cần sớm ban hành dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh vàng vì nó có tác động tích cực đến bình ổn thị trường ngoại hối. Điểm mấu chốt của Nghị định là sẽ ban hành chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh vàng.
Bài và ảnh: Hải Yên