Ngân hàng kích cầu, thượng đế 'e dè'

Mùa kinh doanh cao điểm cuối năm thường là cơ hội cho các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, khác với những năm trước, nhu cầu vay vốn năm nay không tăng do doanh nghiệp thận trọng trong đầu tư kinh doanh cũng như nhập hàng để bán trong dịp Tết…

 

Thận trọng tiếp cận vốn vay


Theo đánh giá mới nhất của Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát (Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - NFSC), số doanh nghiệp (DN) giải thể và tạm ngừng hoạt động trong tháng 11/2012 tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu ngừng lại. 9 tháng của năm 2012 có khoảng 40.200 DN giải thể và tạm ngừng hoạt động, cuối tháng 11/2012, con số ngày tiếp tục tăng lên là 46.500 DN. Cho đến thời điểm này, DN vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức trên mọi phương diện, đặc biệt chủ yếu ở 2 khâu “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm.


 

Điểm giao dịch của VietinBank.

 

Đại diện NFSC cho rằng: Ngoài những khó khăn do khâu tiêu thụ sản phẩm chậm dẫn đến lượng hàng tồn kho cao, các DN cũng đang chịu những khó khăn rất lớn do chi phí sản xuất đang tăng rất cao (nguyên nhiên vật liệu và vận tải tăng mạnh); chi phí tài chính cao (lãi suất vẫn ở mức cao). Theo tính toán của NFSC, lãi suất của Việt Nam hiện cao hơn rất nhiều (từ 2 - 3 lần) so với các nước trong khu vực.


Đại diện Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết: Mùa kinh doanh cao điểm cuối năm thường là cơ hội cho ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Song, khác với các năm trước, quý IV/2012 nhu cầu vốn của khách hàng không tăng nhiều. Nhu cầu vay vốn tập trung ở những DN xuất khẩu, trong đó phải kể đến mặt hàng xuất khẩu là gạo và cao su. Lĩnh vực nhập khẩu có nhu cầu vay vốn ít hơn, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, còn nhập khẩu hàng để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh trong nước không tăng. Vì thế, nguồn cung vốn vẫn dồi dào, song sức cầu về vay vốn của DN không tăng đột biến.


“Mặc dù đang trong thời điểm cuối năm nhưng sức mua của hộ gia đình vẫn khá thận trọng”, cán bộ NFSC nói. Điều này khiến cho tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đang có dấu hiệu tăng chậm dần đáng lo ngại (10 tháng năm 2012 đạt mức tăng 17,9% so với cùng kỳ, 11 tháng 2012 tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong khi đó chỉ số này của năm 2011 có mức tăng dần đều, 10 tháng đạt 23,1%, 11 tháng tăng 23,5% và tăng đạt đỉnh 24,2% vào tháng 12).

 

Giảm lãi suất để tiếp cận vốn tốt hơn


Trước những khó khăn dự kiến còn tiếp tục kéo dài của các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ (DNVVN), nhiều ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất để tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn thuận lợi hơn.


Trao đổi với phóng viên Tin tức chiều 5/12, đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết: Vietinbank đã cam kết giảm lãi suất cho DN vay tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh (SXKD) thông thường. Cụ thể: DNVVN thuộc đối tượng của chương trình “Chung tay vượt khó cùng DNVVN”, khi có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND để phục vụ SXKD sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi giảm tới 3%/năm so với lãi suất cho vay SXKD thông thường; thời hạn ưu đãi lãi suất tối đa 3 tháng, kéo dài đến 31/3/2013. Không chỉ ưu đãi lãi suất, VietinBank còn chủ trương áp dụng cơ chế, điều kiện thông thoáng để thu hút khách hàng mới tiềm năng, giúp khách hàng doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng được dễ dàng, thuận tiện.


Theo Vietinbank, chương trình áp dụng cho cả các khách hàng mới và khách hàng hiện tại, có hoạt động SXKD hiệu quả, tình hình tài chính ổn định, có khả năng phát triển và đáp ứng các điều kiện theo quy định hiện hành của VietinBank tại từng chính sách cụ thể. Chương trình “Chung tay vượt khó cùng DNVVN” được VietinBank đang triển khai trên toàn quốc, song song với các Chương trình tín dụng mục tiêu, Chương trình tín dụng phát triển cùng DN; Gói ưu đãi lãi suất 2.000 tỷ dành cho DN vi mô…


Với mục đích hỗ trợ nhu cầu vay vốn tăng cao của khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán 2013, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang triển khai chương trình “Cho vay ưu đãi đón xuân Quý Tỵ” với lãi suất cho vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân trên phạm vi toàn quốc với tổng hạn mức cho vay là 3.000 tỷ đồng, áp dụng cho các hợp đồng tín dụng được ký kết trong thời gian triển khai (từ 4/12/2012 - 31/1/2013) và các khế ước giải ngân tiền vay trước ngày 10/2/2013.


Theo đó, VPBank tiến hành cho vay mua ô tô (tối thiểu 24 tháng); mua nhà - xây dựng - sửa chữa nhà (tối thiểu 24 tháng); cho vay hộ kinh doanh bổ sung vốn lưu động trả góp (tối thiểu 12 tháng) với lãi suất ưu đãi. Cụ thể: Với sản phẩm cho vay mua ô tô và sản phẩm cho vay mua nhà - xây dựng - sửa chữa nhà, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi 9,99%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên kể từ ngày nhận nợ đầu tiên của khoản vay; với sản phẩm cho vay kinh doanh, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất cho vay 12%/năm cố định trong 3 tháng đầu tiên tính từ ngày nhận nợ đầu tiên của khoản vay.


Trao đổi với phóng viên Tin tức, bà Võ Thị Thanh Tuyền, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Ngân hàng An Bình (ABBank) nhận định: Thị trường bán lẻ tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, nhất là những tháng cuối năm và cận Tết. Do đó, việc các ngân hàng chủ động triển khai nhiều dịch vụ bán lẻ không chỉ giúp ngân hàng gia tăng lợi nhuận mà còn giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.


Liên quan tới vấn đề lãi suất cho vay phải tiếp tục giảm mạnh sẽ giúp DN tháo gỡ khó khăn, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Năm 2012, mức lạm phát có thể vào khoảng 7,5%. Sang năm 2013, theo mục tiêu mà Chính phủ trình Quốc hội, thì lạm phát sẽ thấp hơn, tăng trưởng cao hơn. Như vậy, lãi suất cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến của lạm phát. Chính phủ đã giao NHNN chủ trì để ngay trong tháng 12 này phải lên phương án điều hành lãi suất cụ thể để kéo lãi suất xuống cho sát tình hình diễn biến của lạm phát.


Minh Phương - Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN