Trước tình hình kém thanh khoản như hiện nay, nhiều ngân hàng đã thay đổi kế hoạch, sắp xếp lại hệ thống ATM nhằm tiết giảm chi phí vận hành. Theo đó, thay vì mở rộng mạng lưới bán lẻ qua thẻ, các ngân hàng đã thu gọn lại hệ thống, bố trí lại địa điểm máy và gia tăng tiện ích dịch vụ, đa dạng kết nối...
Thu gọn hệ thống ATM
Theo thống kê của Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smarlink, đến cuối năm 2011, cả nước có khoảng 15.000 máy ATM với gần 40 triệu thẻ ATM, doanh số các loại thẻ đạt khoảng 32 triệu USD. Tuy nhiên, hầu hết mảng dịch vụ thẻ của các ngân hàng hiện nay đều chưa có lợi nhuận do chi phí cho hạ tầng máy cao như tiền mua máy, tiền lắp đặt hệ thống, tiền địa điểm, tiền tiếp quỹ. Còn khoản thu được từ dịch vụ ATM chủ yếu là rút tiền ngoài hệ thống với mức phí khoảng 3.300 đồng/giao dịch, hoặc 1.650 đồng/giao dịch kiểm tra số dư.
Bà Phí Thị Phượng, Trưởng Phòng quản lý thẻ Eximbank cho biết: Mặc dù chỉ có khoảng 300 máy ATM, nhưng 10 năm nay, ngân hàng vẫn chưa có lợi nhuận từ dịch vụ này. Trong khi đó, phí thuê mặt bằng đến hàng chục triệu đồng, chưa kể các khoản trả tiền bảo vệ, tiền điện, tiền máy lạnh…
Tuy nhiên, dịch vụ bán lẻ qua thẻ vẫn là một dịch vụ tiềm năng trong tương lai, các ngân hàng không thể bỏ qua. Chính vì vậy, các ngân hàng đã thay đổi kế hoạch phát triển hệ thống ATM, thay vì mở rộng mạng lưới như trước đây mà phân bổ lại địa điểm đặt máy ATM theo hướng tập trung thành từng cụm 3-4 máy nhằm tiết giảm chi phí. Đồng thời, tận dụng hết tiện ích của hệ thống ATM sau khi đã kết nối liên thông ba mạng là Smartlink, Banknetvn và VNBC.
Theo ông Trịnh Thượng Thức, trưởng phòng dịch vụ thẻ Vietcombank chi nhánh TP.HCM, các điểm nóng sẽ được ngân hàng bố trí máy tập trung để đáp ứng nhu cầu giao dịch, những điểm năng suất không cao ngân hàng sẽ rút máy đi. Tương tự, các ngân hàng Đông Á, BIDV, ACB... cũng đang sắp xếp lại hệ thống ATM trong quý I và quý II/2012.
Đa dạng các dịch vụ và kết nối
Tuy nhiên, việc sắp xếp lại máy ATM chỉ là “bề nổi”, điều mà nhiều ngân hàng hướng đến thông qua hoạt động này là tăng cường phát triển dịch vụ thẻ, trong đó tập trung theo hướng an toàn, hiệu quả.
Thực tế, sau khi Ngân hàng nhà nước có ý định sẽ đưa 3 mạng gồm Smartlink, Banknetvn và VNBC về một nhà, nhiều ngân hàng đã “chạy đua” gia tăng tiện ích thẻ, đồng thời đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng. Bởi theo các ngân hàng, việc “hợp nhất” 3 công ty chuyển mạch này sẽ giúp các ngân hàng thuận lợi hơn trong việc kết nối hệ thống thẻ, đa dạng các dịch vụ và giúp khách hàng dễ dàng sử dụng hệ thống thẻ ATM ở bất cứ ngân hàng nào.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay đã có nhiều ngân hàng như ABBank, Vietcombank, MHB, SCB, VietA Bank, BaoViet Bank... đã chấp thuận giao dịch cho các dòng thẻ quốc tế như Visa, Mastercard, JBC, American Express, Diners, UnionPay... tại hệ thống ATM của các ngân hàng trên. Ngoài ra, các ngân hàng còn triển khai giảm từ 10 - 20% khi thanh toán bằng thẻ tại các điểm giao dịch, hoặc hưởng lãi suất ưu đãi 0% khi trả góp qua thẻ...
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thẻ Việt Nam, thị trường thẻ vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa đem lại nhiều hiệu quả về mặt kinh doanh cho các tổ chức cung ứng dịch vụ. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho rằng cần có chính sách hỗ trợ mang tính đột phá, tạo “cú hích” cho thị trường thẻ thanh toán, cụ thể như, xem xét giảm thuế cho các doanh nghiệp (DN) cung ứng hàng hóa dịch vụ qua thẻ, tính theo doanh số thanh toán qua POS. Điều này sẽ khuyến khích các DN bán hàng sẵn sàng “quẹt” thẻ cho khách. Ngoài ra, các DN cung cấp hàng hóa dịch vụ nên áp dụng giảm phí, khuyến mãi, tích điểm, quay xổ số… để khuyến khích người tiêu dùng thanh toán qua POS.
Hải Yên