Theo đó, dựa trên lợi thế là sự hiện diện mạnh mẽ tại các thị trường đang nổi và năng lực tài trợ thương mại sẵn có, Standard Chartered sẽ triển khai một danh mục các giao dịch tài trợ thương mại có giá trị lên tới 1 tỷ USD thông qua các ngân hàng phát hành tại các thị trường đang nổi (emerging market issuing banks); trong đó, IFC sẽ tham gia với tổng khối lượng lên tới 50% giá trị tài trợ hay 500 triệu USD.
Những ngân hàng phát hành này sẽ cung cấp vốn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở thị trường, nơi họ hoạt động nhằm thúc đẩy thương mại quốc tế.
Hỗ trợ hoạt động giao thương và thương mại toàn cầu là trọng tâm trong hoạt động của Standard Chartered. Ông Alex Manson, Giám đốc toàn cầu, khối Ngân hàng giao dịch, Ngân hàng Standard Chartered cho biết, việc tiếp tục mối quan hệ hợp tác với IFC khẳng định cam kết của Standard Chartered trong việc hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hẹp khoảng cách trong hoạt động tài trợ thương mại.
Thông qua Chương trình Hỗ trợ Thanh khoản Thương mại Toàn cầu, Standard Chartered kỳ vọng sẽ cung cấp hơn 5 tỷ USD để hỗ trợ hoạt động thương mại tại các thị trường nơi Standard Chartered hiện diện trong 3 năm tới.
Ông Marcos Brujis, Giám đốc Toàn cầu nhóm các tổ chức tài chính, IFC cho hay, hoạt động thương mại là "mạch máu" của nền kinh tế toàn cầu và là động lực tăng trưởng chính, cũng như là công cụ tạo ra việc làm và giảm thiểu đói nghèo.
Quan hệ hợp tác giữa IFC và Standard Chartered, cùng với thỏa thuận tiếp tục Chương trình Hỗ trợ Thanh khoản Thương mại Toàn cầu, là một phần quan trọng trong chiến lược của IFC nhằm thúc đẩy thương mại trên toàn cầu, tạo ra các thị trường mới và các cơ hội mới cho các quốc gia có mức thu nhập thấp.
Chương trình Hỗ trợ Thanh khoản Thương mại Toàn cầu là một sáng kiến tài trợ thương mại theo danh mục; trong đó, kết hợp nỗ lực của IFC và các ngân hàng hỗ trợ thương mại như Standard Chartered, để tăng cường sự hỗ trợ cho hoạt động tài trợ thương mại tại các thị trường đang nổi.
Chương trình này đã được chứng minh là một công cụ hiệu quả trong việc cấp vốn để thúc đẩy hoạt động giao thương tại các thị trường đang nổi và giải quyết vấn đề thiếu vốn mà nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại các nước đang phát triển phải đối mặt.