Trước thực tế mà báo Tin Tức phản ánh về việc giải ngân gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho người vay cá nhân và để có thêm góc nhìn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh.
Thưa ông, ông có thể cho biết đánh giá của ông về thị trường BĐS sau khi gói kích cầu 30.000 tỷ đồng ra đời?
Tôi thấy đến nay chưa có một sự tháo gỡ, biến chuyển nào hết. Hiện có rất nhiều dự án nhà ở thương mại xin chuyển sang nhà ở xã hội (NOXH). Tuy nhiên, thực tế, đó là những dự án đã chết “lâm sàng” 1 - 2 năm nay và không triển khai được, nhưng người ta vẫn đang cố gắng vận dụng mối quan hệ để chuyển sang NOXH. Họ hy vọng sẽ vay được vài trăm tỷ, vài ngàn tỷ đồng để “tạm sống”. Và như vậy thì lại là một sự lệch pha, chệch hướng của gói 30.000 tỷ đồng này.
TP Hồ Chí Minh còn rất nhiều người thu nhập thấp. |
Mục đích của chúng ta phải là giải quyết những dự án đang xây dựng dở dang, chưa hoàn thiện để giải quyết hàng tồn kho, chứ không phải dùng 30.000 tỷ đồng để xây dựng NOXH mới. Từ đầu quý I và đầu quý II, Nhà nước đã kiểm soát chặt, không cho xây dựng mới, sợ rằng xây lên thì tăng thêm hàng tồn kho. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có một số dự án NOXH được xây dựng mới từ gói kích cầu này.
Vậy theo ông phải làm thế nào để giải quyết được hàng tồn kho BĐS và người dân dễ dàng tiếp cận được gói 30.000 tỷ đồng?
Theo tôi, để giải quyết được bài toán hàng tồn kho BĐS, Nhà nước phải đồng hành cùng doanh nghiệp. Đó là “cởi trói”, giảm thiểu thủ tục, nhanh chóng giải quyết các đơn xin và cho doanh nghiệp thực hiện căn hộ nhỏ. Bộ Xây dựng ủng hộ căn hộ nhỏ, TP.HCM phản đối, Hà Nội thì không có ý kiến, phần đông dư luận thì ủng hộ. Nếu được phép chia nhỏ, cộng với động thái giảm giá của doanh nghiệp thì giá bán căn hộ sẽ giảm sâu hơn, tiếp cận với khả năng và nhu cầu của người dân, giải quyết được hàng tồn kho và tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Có ngân hàng thừa nhận “ngại” cho khách hàng cá nhân vay vốn ưu đãi. Trong khi theo quy định, các doanh nghiệp chỉ được vay 30% trên tổng nguồn vốn tín dụng 30.000 tỷ đồng, số còn lại dành cho cá nhân mua nhà vay. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi đang lo là gói tín dụng này đi chệch hướng. Hiện nay, người dân khó tiếp cận được gói hỗ trợ này. Coi chừng những thủ tục cho người dân vay khó quá, rồi cuối cùng lại tập trung cho doanh nghiệp vay, bởi một lý do rất đơn giản: cho người dân vay 300 triệu đồng và cho một doanh nghiệp vay 300 tỷ đồng thì thủ tục, hồ sơ giống nhau; nhưng cho người dân vay 300 tỷ đồng thì phải cần có 1.000 hồ sơ, còn cho doanh nghiệp vay chừng đó chỉ cần có một hồ sơ thôi.
Rõ ràng là ngân hàng thích cho doanh nghiệp vay hơn là cho người dân vay. Nên coi chừng nó sẽ chệch hướng. Thay vì 30% cho doanh nghiệp - 70% cho cá nhân vay thì sẽ thành 70% cho doanh nghiệp - 30% cho cá nhân vay. Thay vì giải quyết hàng tồn kho thì đổ thêm vào để xây dựng mới, hàng tồn kho tiếp tục tăng. Đấy là cái chệch hướng của gói 30.000 tỷ đồng.
Ông nghĩ sao khi có doanh nghiệp kinh doanh BĐS hướng dẫn cho người dân lách luật để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi?
Không chỉ bất động sản, các ngành nghề khác cũng có hiện tượng “lách luật” như vậy. Tôi cho đó là điều không lớn trong bối cảnh hiện nay. Giữa một cá nhân “lách luật” để vay ngân hàng, có tiền mua nhà để ở với một doanh nghiệp “lách luật” để được vay gói hỗ trợ NOXH thì tôi ủng hộ người dân “lách luật”.