Ngày Dân số 26/12: Giảm sinh cần nâng cao chất lượng dân số

Năm 2010, dự kiến tỷ suất sinh thô của Việt Nam là 17,6%o (phần nghìn), giảm 0,3%o so với năm 2009, vượt 50% chỉ tiêu về giảm tỷ suất sinh thô mà Quốc hội đặt ra.


Tuy nhiên, những nỗ lực trong công tác giảm sinh là chưa đủ, đòi hỏi ngành Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cần tập trung hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước. PGS.TS Đỗ Ngọc Tấn, Vụ trưởng Vụ DS-KHHGĐ, Tổng cục DS-KHHGĐ trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Cán bộ y tế và cộng tác viên dân số tư vấn, cấp phát tờ rơi truyền thông dân số cho phụ nữ xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Tới đây, ngành DS-KHHGĐ sẽ làm gì để thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, thưa ông?


Để góp phần nâng cao chất lượng dân số, thời gian tới, Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm kiểm soát tất cả các hành vi sinh sản, tức là từ khi các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn tới quá trình mang thai và sau khi em bé chào đời.

Hoạt động đầu tiên cần kể đến là việc triển khai và tiếp tục duy trì các mô hình cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên, mô hình tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm những dị tật bất thường, cho ra đời những em bé hoàn toàn khỏe mạnh.

Hiện nay, Đề án này đang được triển khai tại khoảng 30 tỉnh và 3 Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh (tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Thừa Thiên - Huế). Trong năm 2011, mạng lưới này sẽ tiếp tục được mở rộng theo phân cấp kỹ thuật của từng tuyến và dự kiến đến năm 2015 sẽ phủ kín toàn quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu, thử nghiệm việc can thiệp điều trị một số bệnh di truyền có nguy cơ sinh con bị dị tật bẩm sinh.

Hoạt động thứ hai là sẽ tiếp tục duy trì mô hình can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhất là tại các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao như Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Dương, Hưng Yên và Hà Nam…


Tăng cường tuyên truyền, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu “trọng nam, khinh nữ”. Kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…

Ngành đã xử lý được bao nhiêu trường hợp cố tình vi phạm việc lựa chọn giới tính thai nhi, thưa ông?

Một buổi tuyên truyền về DS-KHHGĐ của Trung tâm dân số huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tại xã vùng biển Triệu An. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Tổng Cục DS-KHHGĐ đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các đợt thanh, kiểm tra một số nhà xuất bản, các cơ sở kinh doanh, lưu truyền sách, ấn phẩm có nội dung phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi.


Việc kiểm tra các hành vi lạm dụng siêu âm, nạo phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi cũng đã được tiến hành. Cụ thể, đã xử phạt và có quyết định đình chỉ 28/40 cuốn sách có nội dung phổ biến phương pháp lựa chọn giới tính, số ấn phẩm vi phạm còn lại đang tiếp tục làm rõ nguồn gốc và sẽ xử lý trong thời gian tới. Chúng tôi đã phát hiện 4 cơ sở y tế lạm dụng siêu âm để chẩn đoán giới tính thai nhi.

Quá trình thanh, kiểm tra các cơ sở nạo, phá thai cho thấy, hầu như các ca nạo phá thai có tuổi thai từ 7- 12 tuần, giai đoạn này hầu như chưa phát hiện thấy giới tính thai nhi. Do đó, vấn đề các cơ sở y tế lợi dụng siêu âm, nạo phá thai làm ảnh hưởng tỷ số giới tính khi sinh tăng lên thực tế là có song không lớn.

Việc làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một trong những vấn đề không thể lơ là, vậy hoạt động này sẽ được triển khai thế nào, thưa ông?

Ngày 26/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Quyết định về Tháng hành động quốc gia về dân số, diễn ra từ 1 - 31/12 hàng năm.
Chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2010 là “DS- KHHGĐ vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của đất nước”.

Để “đi tắt, đón đầu” giai đoạn dân số VN bước vào thời kỳ già hóa, Ngành DS-KHHGĐ chủ trương xây dựng, mở rộng và phát triển hệ thống dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.


Hỗ trợ người cao tuổi tập luyện, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Tuy nhiên, để triển khai những hoạt động này, đòi hỏi cần phải có sự đầu tư lớn.

Đối với việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc ít người, Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi, từng bước xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới để giảm tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số của một số dân tộc thiểu số.


Tổ chức các hoạt động xã hội, hỗ trợ điều kiện sinh hoạt, vệ sinh, môi trường, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ phù hợp với tâm lý, tập quán của từng dân tộc thiểu số.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN