Bất chấp cuộc “tắm máu” khiến hơn 600 người chết ngày 14/8, Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập tiếp tục kêu gọi người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi xuống đường tham gia cuộc biểu tình “Ngày thứ 6 thịnh nộ” trong ngày 16/8. Lời kêu gọi này khiến dư luận lo ngại Ai Cập sẽ phải chứng kiến một làn sóng bạo lực mới với số thương vong gia tăng.
Bạo lực nối tiếp bạo lực
Ngày 16/8, các nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng súng tại một cây cầu ở trung tâm thủ đô Cairo và quảng trường Ramses, nơi hàng nghìn người Hồi giáo ủng hộ ông Morsi đổ về để biểu tình phản đối vụ trấn áp người Hồi giáo của chính quyền hôm 14/8. Những người biểu tình đã ném bom xăng vào một đồn cảnh sát gần quảng trường.
Những người biểu tình ủng hộ Anh em Hồi giáo phá vỉa hè để lấy gạch đối phó với cảnh sát tại quảng trường Ramses ở Cairo ngày 16/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó một ngày, đụng độ bạo lực đã nổ ra trên khắp Ai Cập, một số đồn cảnh sát, trạm kiểm soát an ninh, nhà thờ Cơ Đốc giáo, trụ sở cơ quan nhà nước bị tấn công. Tại Cairo, những người ủng hộ ông Morsi trang bị súng và dao bố trí nhiều chốt chặn ngay tại khu vực nội đô, đốt lốp xe phong tỏa hoàn toàn tuyến đường vành đai và tuyến đường nối thành phố 6/10 thuộc tỉnh Giza với trung tâm Cairo. Giao thông tại các cửa ngõ Cairo trở nên hỗn loạn trong nhiều giờ và chỉ trở lại bình thường vào giờ bắt đầu lệnh giới nghiêm. Tại đường vành đai ở vùng lân cận Cairo, các tay súng giấu mặt đã nã đạn vào một trạm kiểm soát an ninh làm hai cảnh sát thiệt mạng.
Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết đã chỉ thị tất cả các lực lượng sử dụng đạn thật để đối phó với các vụ tấn công vào các tòa nhà chính phủ hoặc các lực lượng vũ trang.
Quốc tế gia tăng quan ngại
Dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại và lên án tình trạng bạo lực tại Ai Cập.
Ngày 16/8, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm để tham vấn khẩn cấp về cuộc khủng hoảng leo thang hiện nay tại Ai Cập. Hai nhà lãnh đạo “đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực” và kêu gọi các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp vào tuần tới để bàn về tình hình Ai Cập. Về phần mình, Thủ tướng Merkel tuyên bố Đức và châu Âu sẽ xem xét lại bản chất quan hệ giữa khối này với Ai Cập căn cứ vào những diễn biến mới nhất tại quốc gia Bắc Phi này.
Sau cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 15/8, Áchentina - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên HĐBA - đã hối thúc tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng ở Ai Cập "kiềm chế tối đa" và chấm dứt bạo lực. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực tại Ai Cập, đồng thời kêu gọi tất cả các bên xung đột xem xét lại hành động để cứu đất nước thoát khỏi khủng hoảng.
Nhiều chính phủ châu Âu đã triệu đại diện ngoại giao của Ai Cập đến để bày tỏ quan ngại về vụ đụng độ đẫm máu hôm 14/8. Cao ủy nhân quyền LHQ Navi Pillay kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra "độc lập, không thiên vị, hiệu quả và đáng tin cậy" về chiến dịch giải tán người biểu tình của lực lượng an ninh nước này.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 15/8 thông báo ngừng cuộc tập trận chung được tổ chức hai năm một lần với Ai Cập. Ông Obama cũng "lên án mạnh mẽ" chiến dịch của lực lượng an ninh Ai Cập giải tán người biểu tình.
Thùy Dương (tổng hợp)