Sau những ngày hè sôi động, tụi trẻ con chúng tôi lại phải tạm biệt những bờ sông xa mênh mang trời nước và những cánh đồng thơm ngát cỏ hoa, để trở lại mái trường.
Đó là khi những làn gió heo may mát rượi thổi khiến bầu trời trở nên trong xanh, cao vời vợi. Nắng vàng như mật rót tràn trên khắp nẻo đường quê, rồi về điểm tô sắc màu trên những bông cúc trước sân nhà.
Để chuẩn bị cho mấy chị em tôi bước vào năm học mới, mẹ phải tất tả ngược xuôi từ tháng trước. Những thứ mẹ mua sắm về chẳng nhiều nhặn gì nhưng mẹ đã phải đổi bằng những giọt mồ hôi. Mấy mớ rau mồng tơi, rau đay, rau muống… mẹ mang ra chợ để đổi thành thếp giấy hay chiếc bút, vài thỏi mực tím. Mẹ hiểu niềm hạnh phúc của con trẻ khi thấy chúng tôi mân mê từng quyển vở, ngắm nghía cái ngòi bút lá tre hay bối rối ướm thử bộ quần áo còn thơm mùi vải. Ngày ấy, quần áo luôn được bán sẵn ngoài chợ nên nhiều khi mua về mặc không được vừa vặn lắm. Tuy vậy, những thứ mới mẻ, tinh khôi này luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với những đứa trẻ quê nghèo. Chúng tôi đem cất gọn tất cả vào một chỗ của riêng mình, và hồi hộp đợi chờ.
Rồi một buổi sớm mai chan hòa ánh nắng, chúng tôi í ới gọi nhau, náo nức bước đến trường. Con đường làng đầy vết chân trâu vốn đã thân quen lắm rồi nhưng hôm nay vẫn thấy mới lạ.Chúng tôi xúng xính trong bộ quần áo mới, một tay ôm cái cặp sách đan bằng cói đựng đôi ba quyển vở, mấy viên phấn trắng và chiếc bút, còn tay kia thì giữ khư khư cái lọ mực bằng sành. Nhiều đứa đi từ nhà đến trường, dù chưa chấm bút viết chữ nào nhưng mực tím đã vương lem lấm chân tay, loang lổ cả bộ quần áo mới, trông thật ngộ nghĩnh. Trên đường đi, đứa nào cũng nói cười tíu tít, đôi lúc ngỡ ngàng khi gặp đứa bạn đã lớn phổng phao sau mấy tháng không nhìn thấy nhau.
Đến trường, nơi đầu tiên chúng tôi ghé vào là phòng học cũ. Đứng ngoài cửa sổ, ngó vào trong lớp để tìm lại những hình ảnh thân thuộc hôm nào. Nhiều đứa còn chỉ trỏ, nhắc lại chỗ ngồi của mình hay gợi lại những kỷ niệm đáng nhớ trong năm học trước. Rồi chúng tôi kéo nhau ra góc sân trường, không phải để chơi bi, đánh đáo mà là để thấy cây bàng già tán đã xòe to hơn một chút, và để biết mình đã cao hơn vết khắc được đánh dấu vào năm trước trên thân cây. Chúng tôi dạo chơi vơ vẩn quanh sân, nhìn cái gì cũng thấy vừa lạ vừa quen. Riêng ánh mắt trìu mến và cử chỉ ân cần của cô giáo là vẫn không đổi khác. Cô xoa đầu, hỏi thăm từng đứa luôn kèm những câu khích lệ, động viên.
Mười hai năm học nối tiếp trôi đi nhưng mỗi buổi tựu trường đều có một cảm giác khác nhau. Và mỗi độ thu sang, lòng tôi lại náo nức những cảm xúc đan xen của một thời mực tím hồn nhiên, trong sáng ấy!...
Trần Văn Lợi