Ngày nào cũng vậy, dù trời mưa hay nắng, Y Julir (sinh năm 2002, dân tộc Rơ Ngao, Bana), học sinh trường Bế Văn Đàn (TP Kon Tum) vẫn đều đặn đến trường. Hình ảnh “chim cánh cụt” Y Julir đầy nghị lực cùng theo bạn đến trường trong suốt 4 năm qua đã trở nên quen thuộc đối với dân làng Kon Drei, xã Đăk Bla (thành phố Kon Tum).
Chúng tôi không thể kìm nén cảm xúc của mình khi tận mắt chứng kiến hình ảnh cô bé Y Julir nhỏ xíu, lọt thỏm trong bộ bàn ghế học sinh. Từng chút, từng chút một, em sử dụng ngón trỏ và ngón cái của chân trái nắn nót từng con chữ trong bài thi hết học kỳ của mình. Có lẽ em là người có dáng vóc nhỏ nhất so với các bạn đồng trang lứa và còn nhỏ hơn khi lưng em bị cong hẳn sang một bên.
Cô bé Y Julir trong lớp học. |
Y Julir khi sinh ra đã không có 2 cánh tay, chân thì bị dị tật và giờ đây em chỉ có thể sử dụng được chân trái để "cáng đáng" thay cho các bộ phận bị thiếu của cơ thể. Chị Y Dzoar, mẹ của Julir tâm sự: "Lúc sinh nó ra, mình đã ngất xỉu khi nhìn thấy nó không có cánh tay nào. Lúc còn nhỏ chân phải nó còn bị tật nên phải mổ, mọi sinh hoạt của nó chỉ còn trông vào chiếc chân trái lành lặn. Giờ đây, mình không còn buồn như trước kia nữa khi mà Julir có thể tự chăm sóc mình như một đứa trẻ bình thường; thậm chí con còn biết phụ giúp gia đình. Đến năm 6 tuổi, thấy các bạn được cắp sách đến trường, Julir về nhà khóc và đòi bố, mẹ cho đến trường bằng được. Quyết tâm đến trường của Julir đã khiến cho vợ chồng mình xiêu lòng và vay mượn tiền của người dân trong làng để đưa cháu tới trường".
“Em chỉ muốn hòa nhập và giống các bạn khác”, Julir tâm sự. Ở trường cũng như ở nhà, Julir luôn chủ động làm những việc em có thể làm và quyết tâm không nhờ bạn như gấp quần áo, nhặt rau, cắt dán thủ công. Thậm chí em còn có thể tự tắm cho mình.
“Mẹ đừng đút cơm cho con nhiều vì sẽ làm chân con cứng, không hoạt động được”, Julir nói với mẹ như vậy khi mẹ muốn giúp đỡ em. Cô bé luôn cố gắng tự làm những gì mình có thể. Còn nhớ, hồi đi mẫu giáo, nhìn các bạn được các cô dạy múa, Julir cũng nhất quyết tham gia. Thế là đội văn nghệ trường Mầm non Đăk Blà có thêm một "diễn viên".
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp Julir cho biết: Em Julir có học lực khá, dù khuyết tật nhưng em vẫn quyết tâm đi học và hầu như không có ngày nào em nghỉ học. Trong lớp, em rất chăm chú nghe giảng và nhiều lúc còn giơ chân (thay thế tay) để phát biểu ý kiến. Julir thật xứng đáng là tấm gương về tinh thần vượt khó để các học sinh trong trường noi theo.
Bài và ảnh: Sỹ Thắng