Để đạt được mục tiêu, UBND huyện Xín Mần chỉ đạo chính quyền
các cấp mở rộng tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển dần từ trồng trọt sang
chăn nuôi theo hướng chuyên ngành. Đi sâu vào chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy
mô tập trung ngay tại hộ, nhóm hộ ở ngay mỗi thôn bản thành sản xuất hàng hóa tập
trung. Đồng thời, mở các đợt tập huấn, hướng dẫn nhân dân làm các thủ tục đăng
ký vay thêm vốn Ngân hàng làm chuồng trại, mua con giống. Tất cả các hộ đăng ký
xây dựng dự án chăn nuôi được thôn, xã, các đoàn thể cùng thẩm định, giúp đỡ để
người dân tiếp cận vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo
Nghị quyết 209/2015/ NQ- HĐND tỉnh Hà Giang. Mức đầu tư vốn vay cho mỗi hộ,
nhóm hộ tùy thuộc vào khả năng tổ chức sản xuất và quy mô đầu tư của các hộ và
các nhóm hộ đã xây dựng dự án khả thi.
Trồng cỏ nuôi trâu bò vỗ béo đang là cách làm hiệu quả ở Xín Mần. |
Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn (Agribank) - Chi nhánh huyện Xín Mần đã phối hợp chặt chẽ với Phòng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thẩm
tra các dự án, mô hình có nhu cầu vay vốn phát triển chăn nuôi. Tính đến trung
tuần tháng 6/2016, huyện đã nhận được 1.560 bộ hồ sơ kèm dự án đăng ký của các
hộ gia đình xin vay vốn Ngân hàng để mua con giống chăn nuôi theo Nghị quyết
209/2015/NQ- HĐND. Nhu cầu vay vốn đầu
tư cần khoảng 60 tỷ đồng. Lượng vốn trên dự kiến sẽ đầu tư cho các hộ mua khoảng
3.000 con trâu, bò để chăn nuôi.
Sau quá trình thẩm định các dự án, Agribank huyện Xín Mần đã
quyết định giải ngân cho vay lần thứ nhất 375 hộ, tương đương 375/1.560 dự án đủ
điều kiện phát triển chăn nuôi đã đăng ký. Tổng số tiền giải ngân lần thứ nhất
trên 28,5 tỷ đồng. Số lượng trâu, bò đã mua về từ nguồn vốn đã giải ngân là
1.245 con, nâng tổng đàn trâu, bò của Xín Mần lên trên 28.700 con, tăng so cùng
kỳ đạt 1.550 con (cả lượng bê, nghé sinh ra). Toàn bộ số trâu, bò mới mua về đều
được nuôi nhốt cách ly, tiêm phòng đầy đủ các loại vácxin phòng dịch cần thiết
trước đó 1 tuần trước khi thả chúng nhập đàn về các hộ, nhóm hộ. Nhờ làm tốt
công tác phòng dịch từ xa, nên đàn gia súc, gia cầm của Xín Mần trong gần 6
tháng qua đã phát triển ổn định, không có dịch bệnh phát sinh.
Để chăn nuôi trở thành “ xương sống” trong phát triển sản xuất
nông nghiệp, Xín Mần đã chuyển đổi một lượng diện tích đất trồng cây lương thực
kém hiệu quả để trồng mới trên 250 ha cỏ. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn huyện Xín Mần cũng đã nhập về một số giống cỏ mới giàu chất dinh dưỡng trồng
khảo nghiệm và nhân giống trồng mở rộng phục vụ chăn nuôi. UBND huyện chỉ đạo
các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, đội ngũ thú y viên thường xuyên kiểm
tra, tiêm phòng “chủ động theo định kỳ” để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây
truyền làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển sản xuất ngay tại thôn bản, khu
dân cư. Quyết tâm, đầu tư mua được đến đâu quản lý, chăn nuôi và chăm sóc tốt đến
đó.
Phát triển chăn nuôi gia súc ở Xín Mần. |
Bên cạnh phát triển đàn trâu, bò làm “ xương sống chính” Xín
Mần còn kiện toàn lại 117 tổ hợp tác/186 thôn bản để tập trung phát triển đàn
dê, đàn lợn và đàn ong lấy mật. Đến hết tháng 5/2016, toàn huyện có đàn lợn lên
trên 66.000 con, đàn dê trên 22.000 con, chưa kể gia cầm, thủy hải sản… Hiện
nay, chăn nuôi đang trở thành “lời giải” cho bài toán thoát nghèo bền vững tại
Xín Mần được người dân đồng tình ủng hộ, tập trung đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Bùi Minh Hiệu khẳng định:
Mục tiêu đầu tư chăn nuôi gia súc chiếm trên 35% giá trị sản xuất nông nghiệp
vào năm 2020 đã được Đảng bộ huyện xác định là “mũi nhọn đột phá” để xóa nghèo,
để hội nhập kinh tế. Mục tiêu trên đã được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết
liệt và được thực hiện bài bản và được làm từng bước vững chắc.
Để giải được bài toán phát triển chăn nuôi thông qua vốn vay
Ngân hàng theo Nghị quyết 209/2015/NQ - HĐND tỉnh Hà Giang thì nhất thiết phải
có sự “ bắt tay chặt” giữa Ngân hàng, chính quyền và đoàn thể các cấp. Tiếp
theo đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự bám dân, bám
vào sự biến động từ thực tiễn để điều chỉnh kịp thời cơ chế, chính sách đến từng
người dân. Có thể nói, từ nguồn vốn của Agribank huyện Xín Mần, chăn nuôi đang
mở ra bài toán phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đạt
hiệu quả cao ở một huyện vùng sâu của tỉnh Hà Giang.