Ngỡ ngàng xứ sở gỗ Pơ Mu

Lạc vào xứ sở Mường Chiến (Sơn La) người ta có thể quên lối về bởi sự cuốn hút bởi những truyền thuyết mở đất của những bản nhà sàn đều được dựng bằng 100% gỗ quý Pơ Mu.

Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân các tộc người ở Tây Bắc gọi Mường Chiến là “kinh đô” Pơ Mu. Chẳng cách đâu xa, chỉ vượt qua Sam Síp thì cả miền Tây Bắc loài gỗ mang tên Pơ Mu là một loại gỗ quý hiếm chỉ dùng trong nhà các Tạo, Phìa (chúa đất) ngày xưa. Thậm chí nhà quyền quý lắm thì chỉ dùng Pơ Mu làm các vật dụng trong nhà như giường, tủ, bàn ghế… thế mà ở Mường Chiến, Pơ Mu được làm từ chiếc tăm xỉa răng đến những ngôi nhà sàn có diện tích hàng trăm mét vuông.

Để đến được “Kinh đô” Pơ Mu phải vượt qua đỉnh Sam Síp. Sam Síp tiếng Thái có nghĩa là 30 tầng dốc núi có độ cao trên 1.500 mét so với mực nước biển.

Ở vùng tiểu khí hậu Mường Chiến độc đáo ngay cả từ những hoa trái đều có thể ra hoa kết trái nghịch mùa.

Ông Lò Văn Phát, Phó Bí thư chi bộ xã Ngọc Chiến khẳng định chắc nịch: “Xã có hơn 1.600 hộ thì 90% là những hộ đã có nhà ở lâu đời nay, đều làm bằng Pơ Mu hết, từ mái nhà đến hàng rào. Gỗ Pơ Mu rất tốt, nắng không hỏng, mưa không dột. Nơi còn nguyên vẹn nhất là bản Phảy là 100% những nếp nhà sàn đều bằng gỗ Pơ Mu”.

Sự văn minh của bản người Thái ở Mường Chiến được thể hiện ngay trên lối “quy hoạch” ở từng dãy nhà trong bản.


Chúng tôi đến bản Phảy lại càng ngỡ ngàng hơn bởi lối quy hoạch đẹp đến không ngờ. Cả bản có gần 100 nóc nhà bên bờ suối Chiến nhưng được quy hoạch theo hình răng lược, nhà nào cũng có tường rào, cổng vào và tất nhiên, tất thảy đều nhuốm màu rêu phong được xây dựng từ rất lâu của loài gỗ Pơ Mu. Bản Phảy còn được người vùng Mường Chiến gọi là bản nghệ nhân bởi theo như cách nói của thầy giáo Lò Văn Them - một người con của bản rằng: “Không biết chế tác gỗ Pơ Mu làm nhà sàn thì không phải là người đàn ông của bản Phảy”.

Dừng chân lại nhà nghệ nhân Lò Văn Pẳn hỏi chuyện, vì theo thầy giáo Them, ông Pẳn là nghệ nhân chế tác gỗ Pơ Mu tinh xảo nhất vùng Mường Chiến. Nhà của nghệ nhân Pẳn có kiến trúc hoa văn đầu đón, đầu xà, kèo cột chạm khắc khá tinh xảo, 4 mái và lầu tứ giác đẹp đến mê hồn. Trong câu chuyện của nghệ nhân Pẳn mới biết, ngày xưa, người Mường Chiến có hẳn một quy định bất thành văn về loài gỗ quý Pơ Mu.

Ông Lò Văn Pẳn cho biết: “Những mái nhà này, vào mùa đông rất ấm áp và mùa hè rất thoáng mát. Độ bền của mỗi mái Pơ Mu lên đến 300 năm tuổi. Nhà tôi đã qua ba thế hệ nhưng vẫn chưa phải sửa sang gì”.


Nghệ nhân Pẳn kể rằng: Thời ông còn trẻ, ở Mường Chiến gỗ Pơ Mu nhiều vô kể, nhiều hơn bất kỳ một loài gỗ nào khác nhưng bản mường cũng có một quy định không biết có tự bao giờ là: Lên rừng tìm gỗ Pơ Mu dựng nhà chỉ được chặt những cây gỗ phải đủ một tầm ôm của tay người, cây nhỏ hơn không được chặt để nó lớn. Nếu ai vi phạm sẽ bị bản bắt vạ một con lợn to. Ngày xưa, việc dựng nhà không chỉ là việc của mỗi gia đình mà là việc chung của bản. Nếu nhà nào có con cái trưởng thành đã dựng vợ gả chồng có nhu cầu dựng nhà ở riêng thì đàn ông cả bản cùng nhau lên rừng tìm gỗ rồi đục kèo, cột, làm ngói. Còn đàn bà cả bản phải lo lên rừng tìm rau củ, nấu nướng phục vụ. Gia chủ của ngôi nhà chỉ cần chuẩn bị lợn, trâu để khao thợ chứ không có công xá gì.

Cũng theo nghệ nhân Pẳn, cái khó nhất để làm một ngôi nhà sàn bằng gỗ Pơ Mu là chế tác các viên ngói. Những viên ngói bằng gỗ Pơ Mu phải dùng chèm để chẻ theo thớ rồi tách làm sao để nước mưa theo thớ mà chảy xuống. Việc lợp mái cũng rất công phu, phải lợp từ nóc mái xuống và tính theo thớ gỗ để xuôi dòng chảy. Mái nhà sàn được làm bằng gỗ Pơ Mu thì không có vật liệu gì hay bằng, gỗ không bị cong vênh, mối mọt, mùa đông thì ấm mà mùa hè thì mát mà độ bền lên đến 200 – 300 năm.

Cuộc sống gần gũi thiên nhiên nên những hoa văn trang trí trên nhà sàn đều mô tả quá trình cộng sinh giữa thiên nhiên với con người.


Như để minh chứng cho độ bền và hữu dụng của loài gỗ quý, nghệ nhân Pẳn dẫn chúng tôi ra cánh đồng bản Phảy để mục sở thị hệ thống pai (mương dẫn nước) đã có hơn 100 năm tuổi được làm bằng gỗ Pơ Mu. Quả thực, con mương dài hơm 200m quanh năm nước chảy nhưng các thành gỗ không bị mục hỏng, chỉ bị rong rêu phủ màu thời gian.

Để làm được những mái nhà Pơ Mu người thợ không bao giờ được phép dùng cưa hay bất cứ phương tiện máy móc nào khác mà phải dùng những chèm gỗ để tách thành từng tấm.


Bất giác, nghệ nhân Pẳn nhìn lên những ngọn núi trọc chạy dài tít tắp rồi thở dài: “Đó là câu chuyện cách đây chưa xa thôi, còn bây giờ ở Mường Chiến tìm chiếc là Pơ Mu còn khó huống chi dựng một nhà sàn với mương dẫn nước”.

Những ngôi nhà sàn vượt đèo Sam Síp

Câu chuyện tận diệt Pơ Mu chỉ diễn ra cách đây vài chục năm thôi. Có thể hình dung vành đai khí hậu thích hợp với loài cây Pơ Mu sinh trưởng và phát triển nằm quanh khu vực đèo Khau Phạ. Tiếng Thái, Khau Phạ có nghĩa là sừng trời quanh năm mây mù bao phủ gồm 3 vùng từ Mù Cang Chải (Yên Bái) luồn xuống Mường Chiến (Mường La – Sơn La) rồi sang đến Than Uyên (Lai Châu). Cả ba vùng này đều nức tiếng nhiều gỗ Pơ Mu và được mệnh danh là tam giác Pơ Mu của Tây Bắc và cả của Việt Nam.

Dĩ nhiên, câu chuyện lên Mù Căng Chải hay sang Than Uyên săn gỗ Pơ Mu của dân lậu gỗ đã thành quá vãng bởi rừng các nơi này đã cạn kiệt, một phần lại bị kiểm lâm kiểm tra gắt gao. Khi đó, dân lậu gỗ mới chú ý đến Mường Chiến. Những tưởng hai con đèo khổ ải trấn giữ hai đầu thung lũng Mường Chiến như những bức tường thành bất khả xâm phạm để bảo tồn một “Kinh đô” Pơ Mu cho vùng Tây Bắc nhưng…

Thời gian hàng trăm năm đã phủ rêu phong trên những mái nhà độc đáo.


Người Thái Mường Chiến kể rằng, chỉ vài chục năm về trước, gỗ Pơ Mu ở Mường Chiến bị khai thác ồ ạt. Khó thế mà lâm tặc vẫn tìm cách đưa được gỗ khỏi đèo Sam Síp bằng cách thả xuống suối Chiến rồi đợi mùa lũ cuốn ra Mường La. Cách khác, họ thuê trâu của người bản địa kéo gỗ ngược đèo Khau Phạ.

Khi Nhà nước siết chặt việc quản lý rừng và đưa gỗ Pơ Mu vào danh mục những loài gỗ quý cần được bảo tồn khẩn cấp thì lâm tặc lại có những “phát minh” mới. Chúng thuê dân bản địa lên rừng tìm gỗ dựng nhà sàn rồi ung dung chở gỗ thành phẩm ra khỏi Mường Chiến mà không bị lực lượng nào ngăn cản.

Vùng Mường Chiến đã có lịch sử hàng nghìn năm tuổi, từ cuộc thiên di của người Thái ở Mường Lò (Yên Bái) đến cánh đồng Mường Thanh (Điện Biện). Khi đi qua vùng đất này thấy sản vật phong phú, khí hậu quanh năm mát mẻ mới ở lại lập bản, dựng mường.


Khi gỗ trên rừng đã cạn kiệt, thì những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi ở Mường Chiến trở thành thú chơi cho các đại gia dưới xuôi. Cũng bằng hình thức ấy, nhiều ngôi sàn cổ kính ở Mường Chiến đã âm thầm vượt Sam Síp. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ còn duy nhất bản Phảy là còn nguyên 100% nếp nhà sàn Pơ Mu còn ở bản Pá Chiến, bản Lướt, bản Phày, bản Nà Tấu… đã thấp thoáng xuất hiện những ngôi nhà bê tông mới xây.

Chẳng có ai thống kê, hàng ngày có bao nhiêu ngôi nhà sàn ở Mường Chiến được mua bán, và nỗi buồn đó cũng được thầy giáo Lò Văn Them chứng thực: “ Người ta đến mua những ngôi nhà sàn giá hàng vài trăm triệu thì bà con nghèo làm sao cưỡng nổi”. Tây Bắc đang đẩy mạnh phát triển du lịch, và Mường Chiến chính là điểm nhấn bí ẩn trên cung đường du lịch Tây Bắc. Nếu các cơ quan chức năng không sớm đưa ra những biện pháp nhằm bảo tồn những ngôi nhà sàn độc đáo ở Mường Chiến, thì không xa sẽ thành niềm tiếc nuối.

Bài: Thông Thiện - Ảnh: Yên Ninh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN