Không chỉ làm kinh tế giỏi, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoàn, thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) còn nổi tiếng khắp vùng với những sáng chế, cải tiến máy móc, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hoàn đang thao tác máy phun thuốc trừ sâu do ông sáng chế. |
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương với hai bàn tay trắng, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Văn Hoàn cũng giống như những hộ khác tại xã Phú Lâm gặp rất nhiều khó khăn khi giá chè quá thấp, trong khi năng suất không cao do canh tác theo kiểu manh mún, không tập trung, mô hình lại không đủ lớn để có thể áp dụng được các loại máy móc. Chia tay với công ty chè là giải pháp mà nhiều gia đình ở Phú Lâm đã chọn vì không thể đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Khi công ty chè giải thể, ông Hoàn quyết định nhận 12 ha chè để phục hồi, cải tạo. Những ngày đầu, gia đình ông đã gặp rất nhiều khó khăn khi tiền vốn không có, đất đai thì cằn cỗi, cây chè lại bị suy dinh dưỡng nhiều năm... Nhưng với nghị lực và lòng quyết tâm của Anh bộ đội Cụ Hồ, bằng cách lấy ngắn nuôi dài, thực hành tiết kiệm, ông Hoàn đã khôi phục toàn bộ 12 ha chè và khai hoang thêm hơn 2 ha chè, gần 6 ha keo. Ngoài ra, ông còn nhận đất để trồng thêm 20 ha mía. Giờ đây, gia đình ông Hoàn đã có thu nhập sau khi trừ chi phí lên tới 600 triệu đồng/năm, mỗi mùa vụ thu hoạch tạo công ăn việc làm cho 50 - 60 lao động.
Trong căn nhà nhỏ trên đỉnh đồi chè, có một góc nhỏ ngổn ngang sắt thép, que hàn điện, ống nhựa, động cơ xe máy… Ông Hoàn vui vẻ cho biết: “Đây là khoảng không gian để tôi cho ra đời những dụng cụ chẳng giống ai. Ấy thế mà lại hiệu quả lắm!”. Gắn bó với cây chè nhiều năm, ông nhận thấy việc sản xuất chè gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc diệt trừ sâu bệnh cho chè. Cây chè là cây có nhiều sâu bệnh nên việc phun thuốc cho chè vừa ảnh hưởng tới sức khỏe người chăm sóc, mà chất lượng chè cũng kém. Lúc đó ở xã Phú Lâm có phong trào phát triển vùng chè an toàn, để có những búp chè ngon mà không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, người trồng chè chỉ còn cách duy nhất là nhặt sâu bằng tay, rất tốn công. Ông Hoàn chia sẻ: “Mỗi lần nhà tôi có người đặt mua chè sạch, loại chè không phun bất cứ loại thuốc trừ sâu nào thì mỗi sáng tinh mơ gà gáy, tôi đã giục vợ con ra đồng bắt sâu. Làm chè kiểu này khổ lắm, mất nhiều thời gian. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi muốn làm một việc gì đó cho vợ con đỡ khổ và thế là chiếc máy hút sâu ra đời".
Để làm nên chiếc máy này, ông cũng đã trải qua rất nhiều lần thất bại, nhiều lần đem ra thử nghiệm chẳng những không hút được sâu mà còn nát hết cả búp chè. Không chịu từ bỏ, bằng lòng kiên trì của mình, ông đã tìm tòi, học hỏi, cuối cùng sản phẩm máy hút sâu chè cũng ra đời. Ban đầu bộ phận cánh quạt của máy vừa làm nhiệm vụ hút sâu vừa làm nhiệm vụ giết sâu, vì vậy, đòi hỏi hiệu suất của máy cao nên tốn nhiều nhiên liệu, máy cũng nặng đến 9 kg khó mang vác. Tiếp tục cải tiến ông đã thay cánh quạt mới và lắp thêm một bộ phận đựng sâu, cánh quạt bây giờ chỉ còn nhiệm vụ hút sâu đơn thuần nên không cần hiệu suất máy cao nữa. Do đó, nhiên liệu cũng ít đi (6 lít xăng cho 1 ha chè), máy cũng chỉ nặng 5 kg và giá khoảng 1,5 triệu đồng.
Góc chế tạo máy của CCB Nguyễn Văn Hoàn. |
Nếu sản xuất chè cho nhà máy thì phải phun thuốc trừ sâu, theo cách làm truyền thống mất rất nhiều công, lại gây độc hại với công nhân. Từ thực tế đó, ông Hoàn tiếp tục sáng chế máy phun thuốc trừ sâu. Chiếc máy phun thuốc trừ sâu được thiết kế bởi một động cơ xe máy lắp thêm 1 bộ phận nén hơi và một thùng nước 1.000 lít đặt trên xe công nông, chỉ cần một công nhân vận hành mỗi ngày có thể phun được 4 ha chè, lại hạn chế tối đa ảnh hưởng đến công nhân khi vòi phun rất dài với diện tích mỗi lần phun rất rộng.
Cây chè sau một năm thu hoạch phải cắt đi từ 10-15 cm để chè ra búp mới. Với chiếc máy đốn chè cũ, việc cắt chè rất mất nhiều thời gian, ngọn chè không đứt hẳn, sót lại trên cây, tốn rất nhiều công sức mà chè lại có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nhìn thấy điều hạn chế này, ông Hoàn đã cải tiến chiếc máy cắt chè từ máy cắt cỏ, ông thay lưỡi cắt cũ hình vuông (khi cắt không có độ trượt, chè dễ bị dập) bằng chiếc lưỡi cắt mới được cải tiến như cánh cung nên khi cắt có độ trượt, chè đứt nhanh và dứt khoát. Theo ông Hoàn, hiện trong Nam ngoài Bắc bà con sản xuất chè đều dùng máy cắt này nhưng ít ai biết đây chính là cái máy cắt cỏ đã được ông cải tiến.
Những sáng chế của ông như máy phun thuốc trừ sâu, máy đốn chè… được đánh giá cao bởi thiết kế đơn giản, dễ sử dụng, những vật dụng để sáng chế hầu như đều có sẵn, khi hỏng hóc dễ dàng sửa chữa, trong khi hiệu quả lại rất cao. Với chiếc máy cắt cỏ được cải tiến thành máy đốn chè, ông đã đoạt giải nhì trong cuộc thi nhà nông sáng tạo do Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức năm 2009, giải nhì cuộc thi sáng tạo do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức năm 2010 với chiếc máy hút sâu chè... Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất của người cựu chiến binh này chính là từ những sáng chế của ông mà người nông dân đã được hưởng lợi rất nhiều, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Bài và ảnh: Văn Tý - Nhiên Bình