Qua kinh nghiệm và quá trình trực tiếp xử lý nhiều ổ dịch trên địa bàn tỉnh Nam Định, ông Lã Viết Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nam Định cùng các cộng sự đã tìm ra cơ chế gây chết lợn hàng loạt là do vi khuẩn gây viêm phổi dính sườn Actinobacillus Pleuropneumoniae. Từ đó, ông đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp “Khống chế vi khuẩn viêm phổi dính sườn hạn chế lợn chết hàng loạt trong bệnh tai xanh” mang lại hiệu quả rất cao.
Hiện nay, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm của cả nước nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng vẫn còn phổ biến theo phương thức nhỏ lẻ, phân tán, quy mô hộ gia đình nên công tác tiêm phòng các loại vắcxin, đặc biệt vắcxin tai xanh cho đàn lợn chưa được tiến hành chủ động, toàn diện và triệt để. Theo điều tra của Cục Thú y, tỉ lệ dương tính của virút tai xanh trên đàn lợn tương đối cao, khi điều kiện thời tiết bất lợi chuyển mùa từ xuân sang hè và thu sang đông, từ những con lợn có virút tiềm ẩn cộng với sức đề kháng kém sẽ bùng phát bệnh tai xanh.
Ông Lã Viết Hiển đến kiểm tra tại một gia trại áp dụng giải pháp. |
Virút tai xanh là đối tượng nguy hiểm châm ngòi, tạo đà cho các vi khuẩn kế phát, đặc biệt là vi khuẩn gây viêm phổi, viêm phổi dính sườn khiến lợn chết nếu không có biện pháp điều trị thích hợp.
Thông thường lợn mắc bệnh truyền nhiễm từ 2 nguyên nhân chính là do vi khuẩn và virút gây bệnh. Hiện nay, một số công ty thuốc thú y có đưa ra quy trình điều trị nhưng chưa có tính thuyết phục và hiệu quả điều trị chưa cao. Giải pháp “Khống chế vi khuẩn viêm phổi dính sườn hạn chế lợn chết hàng loạt trong bệnh tai xanh” của ông Lã Viết Hiển là giải pháp mới, có tính sáng tạo rõ rệt, dễ hiểu, có tính thuyết phục và kết quả điều trị cao khi được áp dụng trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Trước đây, khi dịch bệnh tai xanh bùng phát, các cán bộ thú y gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị lợn ốm hàng loạt. Mặc dù thời gian điều trị kéo dài từ 10 - 15 ngày song kết quả là lợn không khỏi bệnh mà sau đó chết trong tình trạng cơ thể suy hô hấp do viêm phổi dính sườn. Trước tình trạng đó, các hộ chăn nuôi hoang mang đã tìm cách bán chạy lợn ốm làm cho dịch bệnh ngày càng phát tán trên diện rộng. Giải pháp khống chế vi khuẩn gây viêm phổi dính sườn đã hạn chế hàng loạt lợn chết trong bệnh tai xanh đồng thời đã tìm ra nguyên nhân gây chết lợn, giúp các cán bộ thú y lựa chọn được các loại kháng sinh theo chỉ định và điều trị bệnh tai xanh trên đàn lợn kịp thời. Ưu điểm của giải pháp là thời gian điều trị ngắn (chỉ trong vòng 3 ngày) lợn đã khỏi bệnh, trở lại ăn uống bình thường, giúp hộ chăn nuôi yên tâm sản xuất, dịch bệnh không phát tán tràn lan.
Theo ông Lã Viết Hiển, nguyên tắc quan trọng trong việc điều trị lợn tai xanh là phải phát hiện sớm lợn bị bệnh và điều trị khi lợn mới bỏ ăn từ 1 - 2 ngày. Việc phát hiện sớm giúp cho tỉ lệ điều trị khỏi bệnh lên tới 90 - 100%. Ngoài ra phải tuân thủ việc dùng đúng chủng loại kháng sinh theo chỉ định. Quy trình điều trị liên tục trong 3 ngày, mỗi ngày tiêm 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều bằng 2 loại kháng sinh theo liều lượng chỉ dẫn là Flo - Doxin có tác dụng diệt các loại vi khuẩn và Lincomycin có tác dụng ngăn chặn các chứng viêm ở thời kỳ tiền viêm và các hiện tượng viêm dính, trong đó có viêm phổi dính sườn. Mỗi lần điều trị kháng sinh phải kết hợp với thuốc hạ sốt và điện giải để tăng thải độc tố và tăng sức đề kháng cho lợn. Tuy nhiên, không được lạm dụng thuốc kháng sinh để điều trị kéo dài, chỉ dùng kháng sinh điều trị trong 3 ngày còn những ngày sau có thể dùng các thuốc bổ để nâng cao thể trạng cho lợn.
Giải pháp “Khống chế vi khuẩn viêm phổi dính sườn hạn chế lợn chết hàng loạt trong bệnh tai xanh” đã được xây dựng, thử nghiệm mang lại hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Nam Định. Không chỉ được áp dụng rộng rãi trong mạng lưới thú y, giải pháp còn giúp các chủ gia trại, trang trại chủ động bảo vệ đàn lợn không bị thiệt hại khi dịch bệnh bùng phát. Ngoài khống chế dịch bệnh giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất, giải pháp còn làm lợi cho Nhà nước khá lớn. Giá thành điều trị 1 ca bệnh cho một con lợn có trọng lượng khoảng 50 kg khỏi bệnh trong thời gian điều trị 3 ngày là 93.000 đồng. Trong khi nếu không được điều trị, lợn chết phải đem đi tiêu hủy trong thời điểm người dân được hỗ trợ 26.000 đồng/kg thì sẽ tốn 1.300.000 đồng/con. So sánh giá trị giữa điều trị khỏi lợn với giá hỗ trợ tiêu hủy lợn chết là 7,2%.
Như vậy, nếu lợn được điều trị khỏi bệnh, Nhà nước sẽ không phải trích một khoản ngân sách lớn để hỗ trợ tiêu hủy lợn chết. Bên cạnh đó, sau khi được tập huấn giải pháp, các cán bộ thú y chủ động, tích cực phát hiện, điều trị khống chế dịch trong phạm vi hộ, thôn, xóm giúp các hộ chăn nuôi yên tâm không bán chạy gia súc ốm, gây tình trạng dịch phát tán ra diện rộng. Hoạt động chăn nuôi tiếp tục phát triển và việc không phải tiêu hủy gia súc chết cũng giúp cho môi trường không bị ô nhiễm. Nội dung giải pháp lại dễ hiểu, dễ tiếp thu, áp dụng rộng rãi cho mọi đối tượng chăn nuôi. Các cán bộ thú y cơ sở đều có thể áp dụng giải pháp để chủ động phát hiện và điều trị đàn lợn ở địa phương mình.
Giải pháp “Khống chế vi khuẩn viêm phổi dính sườn hạn chế lợn chết hàng loạt trong bệnh tai xanh” đã có một bước tiến lớn trong việc tìm ra cơ chế gây chết lợn hàng loạt trong bệnh tai xanh và chủ động đề ra quy trình phòng, chống tổng hợp có hiệu quả, không để dịch bệnh phát tán thành dịch lớn gây tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Hiện nay, giải pháp đã được ứng dụng rộng rãi trong công tác phòng chống dịch hàng năm trên địa bàn tỉnh Nam Định. Giải pháp đã được tặng Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2012 và đạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nam Định lần thứ IV năm 2013.
Bài và ảnh: Thùy Dung