Sở hữu 5 ha trồng hoa lan, anh Nguyễn Văn Nhật (ở ấp 1, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng anh cũng thu được tầm 100 triệu đồng, tháng nhiều lên tới gần 200 triệu đồng. Là ông chủ vườn lan, nhưng anh Nhật chỉ lo giám sát, điều hành về mặt kỹ thuật chăm sóc lan còn mọi việc đã có người làm đảm nhận. Tiếng là nông dân nhưng anh không còn cảnh chân lấm tay bùn như hồi trồng mía cách đây khoảng 10 năm nữa. Anh Nhật tâm sự: “Ngày trước, tôi trồng mía nhưng vất vả quá, nhưng thu nhập lại chả đáng là bao. Băn khoăn, trăn trở mãi, với mảnh đất nhà diện tích 5.000 m2 đất, tôi quyết định chuyển sang trồng hoa lan”.
Vườn hoa lan của anh Nguyễn Văn Nhật. |
Gặp lúc UBND TP Hồ Chí Minh có chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, anh Nhật được vay vốn hỗ trợ lãi suất. Anh Nhật cho biết: "Thành phố cho mình vay vốn cố định xây dựng nhà lưới, luống trồng lan... hỗ trợ 100% lãi suất không quá lãi suất bình quân của 3 Ngân hàng Agribank, Vietinbank, Vietcombank, cộng với 2% phí, vốn lưu động hỗ trợ 80%. Ngành trồng hoa lan phát triển được là nhờ hỗ trợ về lãi suất, nông dân mới mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng khác sang hoa lan".
Theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của UBND TP Hồ Chí Minh, cứ 1 triệu tiền lãi phải trả ngân hàng, hộ nông dân vay vốn làm nông nghiệp theo hướng đô thị được hỗ trợ từ 600.000 đến cả triệu đồng tiền lãi tùy vào ngành nghề đầu tư, nhờ vậy chi phí cắt giảm, thu nhập của bà con tăng lên. Những hộ nông dân làm ăn lớn như gia đình anh Nhật, với số tiền vay 2,5 tỷ đồng, khoản tiền hỗ trợ không phải là nhỏ, nhưng với những gia đình nông dân sản xuất nhỏ, số tiền vay không nhiều, chỉ vài chục tới 100 triệu đồng, khoản lãi vay hỗ trợ này cũng là động lực để họ mạnh dạn từ bỏ những cây trồng vật nuôi không hiệu quả sang trồng rau an toàn, trồng hoa lan cây cảnh, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, chăn nuôi heo đem lại giá trị kinh tế cao.
Chị Trần Thị Như Ý, ở xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh, tâm sự: "Hồi đó không có đủ vốn, mình vay lãi suất thấp mới dám mạnh dạn vay để mua bò. Là nông dân nuôi bò nên mình biết nuôi mấy tháng bò mới có sữa, lãi thấp mới dám vay". Từ chỗ chỉ có 2 con bò, năm 2006 chị Ý mạnh dạn vay ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 100 triệu đồng để đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm bò về nuôi. Hiện chị đã có 45 con bò cả bò sữa lẫn bê con, tiền bán sữa mỗi tuần cũng thu về trên 30 triệu đồng.
Đàn bò của chị Trần Thị Như Ý. |
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, mỗi ha trồng rau sạch một năm cũng giúp người dân thu về khoản lợi nhuận tới 400 triệu đồng. Nếu ai có vốn lớn đầu tư vào trồng hoa lan thì thu cả tỷ đồng cho 1 ha trong một năm, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Vì thế, một đồng vốn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước đã huy động được tới 18,3 đồng vốn đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn trong đó nguồn vốn từ bà con nông dân là 30% còn lại 70% là do ngân hàng đầu tư mà chủ yếu là từ Ngân hàng Agribank. Ông Lê Đình Đức, trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho biết: "Địa bàn Củ Chi có 4 ngân hàng cho vay vốn hỗ trợ lãi vay, chủ yếu là Agribank.
Tổng số tiền được giải ngân là 1.000 tỷ đồng thì Agribank là 911 tỷ đồng, chiếm 86%. Một số ngân hàng ngại cho vay nông dân, một doanh nghiệp vay 1 đến 3 tỷ đồng làm hồ sơ rất dễ, nông dân thì 100 hộ mới được 1 tỷ đồng. Chỉ có Agribank nắm vững, am hiểu địa bàn, nhiều ngân hàng không biết cho vay chương trình này là gì". Còn ông Nguyễn Sỹ Phước - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn đánh giá: "Về hỗ trợ giúp bà con vay vốn phát triển sản xuất ở Hóc Môn chủ lực là Ngân hàng Agribank, hầu hết các hồ sơ vay vốn đều thông qua Agribank hết. Do nắm vững nhu cầu vay vốn nên 10 triệu đồng cũng vay, 5 triệu đồng cũng vay và kể cả vài tỷ đồng cũng cho vay. Tôi khẳng định Agribank là chủ lực trong giúp bà con phát triển kinh tế, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp".
TP Hồ Chí Minh là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Vì thế, việc lựa chọn những cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã giúp người nông dân ngoại thành của TP Hồ Chí Minh có thu nhập cao, ổn định. Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thông qua hỗ trợ lãi suất của UBND thành phố đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong đó không thể không kể đến vai trò của các chi nhánh Agribank khi bám sát địa bàn, rót vốn kịp thời cho bà con nông dân đầu tư vào sản xuất.