Người dân xã Ea H’leo mong điện, nước

Nằm ngay ven đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14 cũ) nhưng đã 20 năm nay, gần 100 hộ dân thôn 1, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) vẫn phải sống trong tình trạng “khát” nước sinh hoạt hợp vệ sinh và thiếu điện lưới quốc gia. Trong khi chờ các cấp chính quyền giải quyết, người dân đã phải mua nước sạch và “ké điện” với giá cao của tỉnh bạn (Gia Lai) để phục vụ sản xuất và đời sống.


Cả thôn đi "mua" nước sinh hoạt

Thôn 1 là thôn xa nhất của Xã Ea H’leo nằm giáp ranh với xã Ia Lê, huyện Cư Pưh (tỉnh Gai Lai). Từ khi thành lập thôn (năm 1998), suối Ea H’leo là nguồn duy nhất cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các hộ dân nơi đây. Tuy nhiên năm 2006, nhà máy chế biến sắn của Công ty Thành Vũ xây dựng đi vào hoạt động trên địa bàn xã Ea H’leo đã xả nước thải trực tiếp xuống suối, gây ô nhiễm nguồn nước, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Thiếu nước sạch sinh hoạt, cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Ảnh: Xuân Triệu - TTXVN


Không còn nguồn nước phục vụ sinh hoạt, cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Ông Bùi Trọng Luận - Trưởng thôn 1 bức xúc cho biết: Trước đây khi chưa có nhà máy, người dân trong thôn chỉ cần dùng đường ống bơm nước dưới suối Ea H’leo về xử lý rồi dùng. Nhiều năm nay, các hộ dân trong thôn buộc phải chung tiền thuê người đào giếng để tìm nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, do cấu tạo địa chất khu vực này nhiều đá vôi nên có khi đào 3 - 4 lần độ sâu từ 40 - 60 m nhưng vẫn không tìm được nguồn nước. Gia đình nào may mắn hơn đào trúng nguồn nước thì cũng chỉ dùng để tắm giặt, tưới cây chứ không thể sử dụng ăn uống được do nước ngầm bị nhiễm phèn.

Cứ 2 đến 3 ngày, gia đình chị Nguyễn Thị Hiếu ở thôn 1 lại phải mua một bình nước sạch 20 lít với giá 12.000 đồng về để nấu ăn và uống. Theo chị Hiếu, trước đây, gia đình chị cũng dùng nước ở dưới giếng để sinh hoạt nhưng do nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn nặng, thường xuất hiện 1 lớp váng màu trắng dày đặc sau khi nấu, gia đình sợ nước bị ô nhiễm nên đã chuyển sang mua nước bình để sử dụng, dù biết dùng nước bình là không đủ để sinh hoạt và tốn kém.

Theo ông R Chăm Y Lê-Phó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea H’leo, hiện trên địa bàn thôn chưa có công trình nước sạch tập trung nên 80% số hộ dân trong thôn phải mua nước đóng bình để ăn, uống. Vào mùa khô, gần 100% hộ dân phải đánh xe sang xã Ia Le, (huyện Cư Pưh, tỉnh Gia Lai) để xin nước, thậm chí mua với giá đắt đỏ.

Dùng "ké" điện với giá cao

Không chỉ “khát” nước sinh hoạt, người dân thôn 1 còn phải chịu cảnh thiếu điện sinh hoạt. Đã nhiều lần người dân kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được quan tâm giải quyết.

Chỉ tay về phía đường đây điện “rũ” xuống sát mặt đất, ông Hoàng Quốc Bảo ở thôn 1 cho biết: Đã nhiều năm nay qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị các cấp chính quyền kéo điện lưới an toàn cho bà con trong thôn sinh hoạt, sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Vì vậy, bà con trong thôn đã tự bỏ tiền mua dây điện, dựng trụ gỗ rồi sang xã Ia Lê, (huyện Cư Puh, Gia Lai) để xin kéo điện về dùng. Do hàng chục hộ dân cùng sử dụng chung 1 đường dây dẫn dài nên điện rất yếu và giá điện luôn ở mức cao.

Anh Lê Duy Thủy thôn 1 than thở: Gia đình sử dụng 3 bóng đèn compact, 1 quạt điện, 1 nồi cơm điện và 1 chiếc tivi nhưng tháng nào cũng phải trả hơn 200 ngàn tiền điện. Tháng 9 mới đây, gia đình sử dụng 65 kW điện nhưng phải trả đến 267.000 đồng, nếu trừ 10.000 đồng tiền công cho người đi thu tiền điện, gia đình tôi phải trả 4.000 đồng/kW. Nhiều tháng cao điểm gia đình phải trả từ 5.000 đến 7.000 đồng/kW. Không những người dân phải sử dụng điện với giá cao mà việc tự kéo đường điện còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Hệ thống cột điện được người dân chặt cây dựng tạm đã bị mối mọt đổ xiêu vẹo, nhiều hôm trời mưa đường đây điện bị đứt, vùi sâu xuống suối Ea H’leo khiến cho thôn mất điện cả tuần.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Dự án cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có 47 tỉnh, thành được cấp điện. Trong đó thôn 1, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) sẽ được đầu tư xây dựng mới 2 km đường đây trung áp, 2 km đường dây hạ áp, 1 trạm biến áp trung gian 160 kVA, cho hơn 100 hộ dân, trong giai đoạn 2013 - 2015. Tuy nhiên, đến nay địa phương vẫn chưa được cấp điện, người dân vẫn phải mua điện giá cao từ tỉnh Gia Lai để sinh hoạt, sản xuất.

Các ngành chức năng cần sớm tìm giải pháp cấp nguồn lưới điện an toàn để đồng bào các dân tộc ở thôn 1, xã vùng sâu Ea H’leo yên tâm lao động, sản xuất, ổn định đời sống.
Văn Cường
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN