Vấn đề cải thiện vệ sinh môi trường vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người luôn là vấn đề khó đối với hầu hết các địa phương trong tỉnh Yên Bái. Nhưng tại thôn 10, xã Yên Thành, huyện Yên Bình, đồng bào Dao nơi đây đã có cách làm mới trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần quan trọng thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thôn 10 là thôn khó khăn nhất của xã Yên Thành, huyện Yên Bình, toàn thôn có 64 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Trước đây, do trình độ nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, nên đồng bào thường đổ rác thải sinh hoạt ra vườn, xuống gầm sàn nhà, lẫn với phân trâu, phân gà, gây ô nhiễm môi trường.
Chị Đặng Thị Dân, người dân tộc Dao ở thôn 10 - xã Yên Thành là một trong những người Dao đầu tiên có “sáng kiến” thu gom rác thải ngay tại gia đình. Từ đó đã có tác động mạnh mẽ và góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào Dao nơi đây trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, nên bà con đã nghe và làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Đến nay, trên 90% số hộ dân trong thôn có hố thu gom xử lý rác thải.
Đồng bào các dân tộc ở Yên Bái trồng cây bảo vệ môi trường. |
Chị Dân cho biết: Trước đây, gia đình chị hay đổ rác thải bừa bãi ra vườn và cả xuống ruộng lúa, có cả mảnh thủy tinh, vật nhọn, đi cấy không may dẫm phải là chảy máu chân. Giờ đã khác, dưới gầm ngôi nhà sàn của gia đình chị đã đặt một chiếc sọt to để chứa rác. Toàn bộ số rác thải sinh hoạt hàng ngày đều được các thành viên trong gia đình thu gom gọn gàng, rồi đem đổ tập trung vào hố rác ngoài vườn để xử lý thay vì vứt bừa bãi như trước đây. Nhà cửa chị Dân lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng mát.
Không chỉ tổ chức thu gom rác thải, việc xử lý rác thải sinh hoạt của đồng bào Dao ở thôn 10, xã Yên Thành cũng rất phù hợp với thực tế vùng nông thôn. Với những hộ nằm cách xa đường giao thông, có đất rộng nhưng kinh tế eo hẹp, thôn đã vận động các bạn đoàn viên thanh niên tới giúp gia đình đào hố để xử lý rác thải hữu cơ. Khi hố rác đầy, lấp đất ủ lại, đợi khi rác mủn đem bón cho cây, riêng túi ni lông thì bà con tạm thời đốt cháy. Còn gia đình nào có điều kiện kinh tế khá giả hơn và nằm gần đường giao thông, thì đầu tư xây hố chứa rác bằng bê tông.
Thanh niên Yên Bái dọn vệ sinh xung quanh nơi ở. |
Chị Lý Thị Xanh, thôn 10, xã Yên Thành chia sẻ: Gia đình chị xây hố rác năm 2007 hết 400.000 đồng. Từ ngày có hố rác, nhà cửa luôn sạch sẽ, rác không bị gà bới tung gây ô nhiễm môi trường nữa. Ở thôn chị bây giờ bà con đều có hố rác. Còn anh Lý Văn Vinh, trưởng thôn 10, xã Yên Thành cho biết: Sau khi xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con đào hố rác thì hiện nay ai cũng có ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi nữa.
Không chỉ ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh tại gia đình mà giờ đây việc giữ gìn vệ sinh công cộng cũng được đồng bào Dao ở thôn 10 thường xuyên duy trì và thực hiện khá tốt. Mỗi tháng từ 1 đến 2 lần, bà con trong thôn lại tổ chức ra quân vệ sinh môi trường thu gom rác thải tại các tuyến đường liên thôn. Trong đó, lực lượng đoàn viên thanh niên đóng vai trò chủ lực. Bộ mặt làng quê luôn sạch đẹp, thôn 10 trở thành điểm sáng trong công tác vệ sinh môi trường ở địa phương.
Giờ đây câu nói “ Sạch nhà, sạch bếp, sạch làng” đã thấm sâu vào suy nghĩ và trở thành việc làm thường xuyên của đồng bào Dao thôn 10, xã Yên Thành nói riêng và huyện Yên Bình nói chung, từng bước góp phần xây dựng bản làng ngày càng xanh - sạch - đẹp.
Tuấn Anh