Được Nhà nước đầu tư cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các buôn làng ở Tây Nguyên đã thực sự “thay da đổi thịt”, đời sống của đồng bào ngày càng tốt đẹp hơn. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên càng vững tin, một lòng sắt son theo Đảng, theo cách mạng, đi theo “con đường sáng”. Xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk là một điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo.
Những “tỷ phú chân đất”
Những năm trước, gia đình Ma Ren người dân tộc Ê Đê ở buôn Sah, xã Ea Tul có nằm mơ cũng không nghĩ đến chuyện thành “đại gia”, được lên huyện, tỉnh, rồi ra đến tận Hà Nội để báo cáo điển hình, phổ biến kinh nghiệm sản xuất. “Phép màu” xuất hiện khi cán bộ xuống vận động đồng bào buôn Sah từ bỏ lối sản xuất cũ, được vay vốn ưu đãi để chuyển sang trồng và thâm canh cây cà phê. Hơn 5 sào cà phê được đầu tư từ nguồn vốn vay, với sự chịu khó học hỏi kỹ thuật sản xuất của các thành viên trong gia đình, qua mấy năm thu hoạch, nhà Ma Ren đã trả hết nợ. Ma Ren mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích đất của gia đình và mua thêm đất để trồng cà phê. Đến nay, nhà Ma Ren có hơn 6 ha cà phê, mỗi năm cho thu hoạch trên dưới 20 tấn nhân. Cà phê được giá, nhà nào có trong tay 1 ha cà phê là đủ để có cuộc sống xênh xang. Vậy nên như Ma Ren đã được liệt vào hàng “đại gia” ở buôn Sah. Cũng từ cà phê, Ma Ren xây được biệt thự, tậu được chiếc xe du lịch hơn 800 triệu đồng để đưa đón con đi học. Ma Ren hồ hởi khoe: “Vụ cà phê vừa rồi (2011 - 2012) nhà mình thu gần 20 tấn nhân, bán được gần 800 triệu đồng đấy”. Không chỉ có cà phê, nhà Ma Ren còn tận dụng đất bờ lô và các thẻo đất thừa để trồng cỏ và các loại đậu bắp để chăn nuôi.
Những căn nhà lầu ở xã Ea Tul. |
Ở Ea Tul, còn rất nhiều gương mặt được liệt vào hàng đại gia của xã với thu nhập trên nửa tỷ mỗi năm, như: Y Siêm Niê, Y Khắt Niê, Ma Ren, Ma Yiêu, Y Jer Ktla, Y Suê Ktla, Ma Thơm, Y Song Niê, Y Biêr... Đến thăm nhà Y Tlơng Niê mới biết chuyện làm giàu của anh hơi đặc biệt. Vào những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Y Tlơng bị lừa phỉnh theo Fulrô, có lúc được phong chức “đại tá”, chỉ huy trưởng một nhóm Fulrô, sống chui lủi trong rừng. Được sự vận động của cán bộ, Y Tlơng giao nộp súng cho chính quyền, trở về cuộc sống đời thường. Gia đình Y Tlơng được chính quyền cấp đất, cho vay vốn đầu tư sản xuất. Đến nay, gia đình Y Tlơng đã có gần 3 ha cà phê, chưa kể bò, heo, ao cá. Y Tlơng cho biết: Không chỉ riêng anh, rất nhiều “chiến hữu” một thời lầm lỗi theo Fulrô, giờ đã hoàn lương để đi theo “con đường sáng”. Nay đã có cuộc sống khá giả, nhiều người thành “đại gia”, lại được trọng dụng, giao cho các chức vụ quan trọng trong chính quyền, đoàn thể.
Sẽ thoát khỏi đói nghèo
Anh Nguyễn Công Văn - Chủ tịch UBND xã Ea Tul, cho biết: Ea Tul là vùng chuyên canh cà phê trọng điểm của huyện Cư M’gar với gần 2.500 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh, chiếm hơn 50% diện tích cà phê của toàn huyện. Vụ cà phê 2011 - 2012, trong khi nhiều vùng chuyên canh cà phê trong tỉnh bị mất mùa thì ở Ea Tul năng suất bình quân vẫn đạt hơn 3 tấn/ha. Cà phê được mùa, được giá nên đời sống của hơn 2.000 hộ đồng bào các dân tộc của 12 buôn trong xã Ea Tul càng khởi sắc. Kinh tế - xã hội phát triển mạnh, an ninh trật tự được củng cố vững chắc, văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy hội nhập cùng cuộc sống. Bộ mặt các buôn khang trang không kém gì phố phường.
Đi trên con đường trục chính của xã đã được bê tông nhựa hóa, với hàng cột điện cao thế, đèn cao áp tạo thành “con đường sáng” chạy dài mải miết hàng chục cây số, chúng tôi thấy thấp thoáng giữa vườn cà phê, hồ tiêu xanh mướt là những ngôi biệt thự bề thế, kiêu hãnh. Trước sân nhiều biệt thự, ngoài những chiếc máy cày là công cụ lao động không thể thiếu, còn có cả xe du lịch đời mới trị giá tiền tỷ. Trường học, bệnh xá khang trang, cột viba cao ngất khiến các thôn, buôn của Ea Tul đã có nét của phố thị giữa một khung cảnh thiên nhiên trong lành, hiền hòa.
Theo anh Văn, Ea Tul phát triển nhanh được như vậy trước hết là có sự quan tâm đầu tư lớn của Nhà nước. Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, Ea Tul được đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho xây dựng đường giao thông từ huyện vào xã và từ trung tâm xã tới 13 thôn, buôn; xây dựng 3 hồ thủy lợi, 4 trường học, 1 bệnh xá và 10 nhà văn hóa cộng đồng; xây dựng đường điện và kéo điện vào tận từng hộ gia đình cho đồng bào. Các chương trình 132 và 134 được thực hiện đã giải quyết những khó khăn, thiếu thốn, giúp bà con ổn định cuộc sống và đầu tư phát triển kinh tế.
Bài và ảnh: Dũng Việt