Người giữ “kho báu” của dân tộc Cao Lan

“Dân tộc Cao Lan chúng tôi tự hào lắm vì có những điệu múa, câu hát Sình ca lưu truyền từ đời này sang đời khác làm say đắm lòng người”, lời tâm sự ấy mở đầu cuộc trò chuyện của ông Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - người được Thủ tướng tặng bằng khen vì có công giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc - với phóng viên Tin Tức.

Say đắm Sình ca

Không ai biết Sình ca có từ bao giờ, chỉ biết rằng Sình ca là loại hình xướng ca truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nét độc đáo của Sình ca là chỉ hát xướng, không có nhạc. Những người hát Sình ca chỉ được hát đối với người của làng khác mà không được hát đối với người trong làng, và chỉ những người chưa lập gia đình mới được hát đối với nhau, còn những người đã có gia đình sẽ không được hát đối, mà chỉ được ngồi nghe và nhắc cho những thanh niên đang hát…

Ông Sầm Văn Dừn với cuốn sổ ghi chép về Sình ca. Ảnh: Phạm Yến


Đó là những nét độc đáo của Sình ca mà chúng tôi được nghe ông Sầm Văn Dừn kể. Ông Dừn cho biết: “Sình ca được ghi lại bằng chữ nho, hát bằng tiếng dân tộc Cao Lan, sau đó hát tiếp bằng tiếng phổ thông. Triết lý trong Sình ca vô cùng sâu sắc, với những câu hát ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, hát về con người, vũ trụ… Tương truyền, Sình ca được chia thành 12 tập và hát trong 12 đêm, mỗi tập mang một nội dung, ý nghĩa khác nhau. Nhưng có một điểm chung là: Khi đã biết và yêu Sình ca thì con người sẽ luôn biết giữ đạo đức, biết kính trên nhường dưới, sống chan hòa và yêu thương giúp đỡ lẫn nhau…”.

Nói về nguồn gốc của Sình ca, ông Dừn kể lại: “Nàng Lưu Tam (Lưu Ba) chính là nữ hoàng của Sình ca. Theo truyền thuyết: Nàng là người thông minh, xinh đẹp với tiếng hát làm bao chàng trai phải ngất ngây và uất ức vì không thể hát đối lại được nàng. Cha mẹ mất sớm, nàng phải ở với anh trai và người chị dâu ích kỷ luôn bắt nàng phải lao động vất vả, thậm chí cả trong ngày hội. Đến tuổi lấy chồng, nàng bị ép gả cho một gia đình giàu có, trước khi về nhà chồng, người anh trai có đưa cho nàng một chiếc kéo đã bị buộc chặt và dặn khi nào kéo mở thì em mới được nói. Suốt ba năm ở nhà chồng, nàng như người câm nên bị nhà chồng trả lại. Trên đường về nàng gặp một con gà rừng cất tiếng gáy và khi đó nàng đã cất lên tiếng hát tự giải thoát cho mình. Những câu hát Sình ca cũng bắt đầu được sinh ra từ đó. Nàng được tự do ca hát, sáng tác những bài Sình ca tạo nên “kho báu” để truyền lại cho thế hệ mai sau”.

Nặng lòng với Sình ca


Ngay từ nhỏ ông Dừn đã có niềm say mê kỳ lạ với Sình ca, ông đi theo những anh chị lớn hơn để học hát. Vì Sình ca được ghi lại trong sách cổ bằng chữ nho nên ông quyết định học chữ nho để thỏa mãn tình yêu của mình với Sình ca. “Lúc đầu, tôi cũng chỉ định học cho biết, nhưng càng học, càng hiểu bao nhiêu thì càng yêu mến Sình ca bấy nhiêu. Khi hiểu về Sình ca, tôi hiểu đây là di sản quý giá cần phải giữ gìn, nên tôi bắt đầu dịch Sình ca từ đó. Khi đó tôi 25 tuổi, vừa học chữ nho, vừa dịch nghĩa”, ông chia sẻ.

Được thừa kế từ cha mình, cụ Sầm Ngọc Văn, bộ sách cổ viết về Sình ca, ông luôn nâng niu, giữ gìn cẩn thận. Ông dịch nghĩa và ghi lại để truyền dạy cho các thế hệ con cháu và những người không biết chữ nho. Ông Dừn cho biết: “Thời gian gần đây, cứ cách mấy ngày lại có người từ Hà Nội lên hỏi mua lại những quyển sách cổ này, họ nói tôi bán giá nào họ cũng mua. Nhưng tôi không bán”. Không chỉ bảo tồn Sinh ca, ông còn đứng ra lập đội văn nghệ để phát huy giá trị của Sình ca. Lúc đầu, việc thành lập đội văn nghệ gặp rất nhiều khó khăn, ông Dừn đã phải đến từng nhà vận động mọi người cho con em tham gia, ông tâm sự: “Giới trẻ bây giờ không mặn mà lắm với lối hát truyền thống của dân tộc, nên bảo các cháu đến tập thật không dễ”.

Nhưng với tâm huyết và nỗ lực không mệt mỏi, từ năm 1990 đến nay, ông đã thành lập được hai đội văn nghệ, một đội cao tuổi và một đội trẻ tuổi. Các tiết mục của đội văn nghệ trẻ đã mang về rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ, trong đó có hai huy chương vàng, hai huy chương bạc do các cơ quan quản lý văn hóa của Trung ương trao tặng. Bản thân ông ngoài được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, còn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen vì công lao giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với ông là Sình ca được đi biểu diễn ở nhiều nơi và nhận được sự yêu mến của nhiều người.

Phạm Yến
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN