Sinh ra đã phải gánh chịu nỗi đau quá lớn khi bị liệt đôi chân nhưng Hôi Coi đã vượt qua được mặc cảm, tự ti và tự đấu tranh chiến thắng bản thân để trở thành một nghệ nhân nổi tiếng của dân tộc Cơtu giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Vượt lên số phận
Sinh ra không được may mắn như bao người khác, Hôi Coi (51 tuổi, người dân tộc Cơ tu) thôn Pà Vả, xã Tab B’hing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã không có được đôi chân bình thường để đi lại như bao người khác. Ngay từ lúc chào đời, đôi chân của Hôi Coi đã bị cong vẹo, yếu ớt, khiến cho anh không thể di chuyển được. Đôi nạng gỗ trở thành người bạn thân thiết bên cạnh anh từ lúc nào không hay.
Lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu, Quảng Nam-Ảnh internet |
Những tưởng, số phận có thể khiến cho người đàn ông này đầu hàng. Thế nhưng, vượt lên số phận, Hôi Coi miệt mài học những gì mình thích, những gì phù hợp với mình để chiến thắng chính bản thân mình. Với năng khiếu có sẵn cùng với tính kiên nhẫn rèn luyện, Hôi Coi đã học rất nhanh và sớm cho ra đời những sản phẩm đan lát vừa chắc chắn, lại vừa đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc, được nhiều người trong thôn, xã đặt mua.
Những cái gùi, cái giỏ, rổ, thúng, rồi cả những chiếc trống lễ hội của làng đều được làm từ đôi tay tài hoa của ông. “Trời lấy đi của tôi đôi chân nhưng lại cho tôi đôi tay. Với đôi tay này, tôi có thể tự nuôi sống được bản thân và gia đình, làm được nhiều cái có ý nghĩa cho bản, cho làng. Rứa là hạnh phúc lắm rồi chú ạ! ” - Ông cười lỏn lẻn.
Từ lâu nay, những sản phẩm do ông làm ra đã trở nên nổi tiếng và được người dân tin tưởng sử dụng. Ông tâm sự: mình là người dân ở đây, hiểu rõ người ở đây muốn gì ở từng chiếc gùi - thứ gắn liền với họ trên nương, rẫy.
Chính vì vậy tôi luôn cố gắng làm sao để cái gùi trở nên bền và vững chắc hơn, có thể đảm bảo được khi phải mang vác nặng. Có cái gùi phải mất gần 2 tuần mới làm xong, khi bán cho người mua lại thấy yên tâm hơn… Chính vì vậy, ngày càng có nhiều người đến đặt mua hàng, bữa cơm của gia đình nhờ đó mà thêm phần cải thiện.
Ngoài bà con đồng bào Cơ tu, nhiều người từ các nơi khác nghe tiếng của ông cũng đã đến đặt hàng, mua những sản phẩm của ông. Đặc biệt, nhiều du khách nước ngoài khi đến tham quan và nhận thấy những sản phẩm vừa chất lượng lại vừa có tính thẩm mỹ cao, họ cảm thấy rất thích thú và đặt mua với số lượng khá lớn.
Trung bình, mỗi cái gùi bán cho du khách được khoảng từ 300 – 400 ngàn đồng, cuộc sống gia đình ông giờ không lo đói nữa. Gia đình ông còn mua được những đồ dùng phục vụ đời sống tinh thần như tivi. Bây giờ, người ta đặt hàng nhiều hơn, lúc nào, Hôi Coi cũng có việc để làm. Mặc dù mệt nhưng đây cũng chính là động lực để ông nỗ lực lao động, chiến thắng đói nghèo, chiến thắng quan niệm lạc hậu của người dân miền núi khi họ coi những người sinh ra bị tật nguyền là do “ma rừng” bắt.
Giữ “nhạc rừng” giữa đại ngàn Trường Sơn
Tài năng của nghệ nhân này không chỉ dừng lại ở việc đan lát. Ở thôn Pà Vả, không ai không biết đến Hôi Coi về tài năng âm nhạc, vừa biết tạo ra các loại nhạc cụ truyền thống lại vừa sử dụng thành thạo hầu hết mọi thứ nhạc cụ của đồng bào Cơtu như: trống, kèn, đàn, cồng chiêng …
Chỉ tay lên mấy cái trống đang gác trên giàn bếp, ông nói: “ Đó là những cái trống của người Cơ tu đó, nó thường được dùng trong các dịp lễ hội như lễ hội đâm trâu hay lễ hội mừng lúa mới của đồng bào… mình làm để đó ai mua thì bán, không thì đem tặng cho bản làng”.
Trong căn nhà nhỏ, với cây đàn 3 dây - một dụng cụ âm nhạc đặc trưng của dân tộc Cơtu, ông đàn hát bài “Tiền tuyến” của người Cơtu. Ông giải thích ý nghĩa về bài hát này là nhằm động viên thanh niên lên đường đi đánh giặc. Tiếng hát trong vắt đến lạ, như cổ động, như trăn trở về nền văn hóa của bản làng đang dần phai nhạt trong cuộc sống với những lo toan cơm áo, gạo tiền. Có lẽ đó là trăn trở lớn nhất của nghệ nhân này.
Ông Tơngôl Kía, Chủ tịch UBND xã Tab B’hing cho biết: “Trong các lễ hội của làng, bản, ông Hôi Coi luôn là người năng nổ trong việc chuẩn bị cũng như truyền hồn cho những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Cũng may là còn có một người như ông, một người còn nặng lòng với bản sắc của dân tộc, hi vọng từ đó sẽ giúp bọn trẻ có thể tìm lại những gì chúng đã bỏ quên.
Chính vì vậy, ông luôn là người được tín nhiệm nhất trong làng để giữ những “linh vật” của làng. Ông hồ hởi giới thiệu về những “báu vật” được cất giữ rất cẩn thận trong nhà như: cái cồng chiêng cổ, cái nỏ, mũi tên rồi cả ngọn giáo trong các lễ hội đâm trâu ngày xưa... Đặc biệt là GơNing - một vật rất quan trọng và thiêng liêng (gần giống cái chuông nhỏ cầm tay), khi cầm trên tay lắc nhẹ sẽ phát ra tiếng vang lớn. Già làng Alăng Zơnh (83 tuổi), cho biết: “Cái GơNing này bây giờ rất hiếm, không mấy người còn giữ được nó. Đó là một vật cực kì quan trọng trong các lễ hội của người Cơtu, đặc biệt là lễ hội đâm trâu”.
Chủ tịch UBND xã Tab B’hing, anh TơnGôl Kía chia sẻ: “Việc phát triển các ngành nghề truyền thống và tìm các biện pháp để bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc Cơtu đang là điều trăn trở của chính quyền nơi đây. Xã TaBhing có 9 thôn bản, mỗi thôn có từ 3 đến 4 người biết đan lát.
Trong thời gian tới, xã sẽ cố gắng xây dựng các làng nghề truyền thống: đan lát, nghề rèn, nghề mộc…để vừa có thể tạo việc làm và thu nhập cho đồng bào, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Hiện nay, làng Dệt Zara đang phát triển rất tốt và đã tạo được thương hiệu riêng. Xã sẽ xây dựng các làng nghề theo hướng như vậy”.
Chia tay Tab B’hing, chia tay đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, dư âm về những tiếng đàn, tiếng cồng chiêng do nghệ nhân khuyết tật Hôi Coi trình diễn như vẫn còn đang vang vọng cả núi rừng, đánh thức những buổi sáng bình minh rực rỡ, thắp sáng bản làng. Cũng chính như ông - nguồn lửa sáng, cháy mãi cho hồn nhạc dân tộc Cơ tu trên dãy Trường Sơn.
Nguyễn Sơn