Sau mấy lần hẹn, chúng tôi mới gặp được nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm ở Nhà văn hóa cộng đồng buôn M’duk, phường Ea Tam, tỉnh Đắk Lắk, giữa một đám trẻ lên bảy, lên tám, trên tay mỗi em một cái Chinh Kram (chiêng tre), tay nhịp gõ tạo nên âm thanh rộn ràng theo giai điệu. Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm cho biết, ông đang tập mấy bài chiêng mới cho lũ trẻ trong buôn.
Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm. |
Nghệ nhân Y Hiu sinh năm 1955, tại buôn M’duk, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột - một buôn Ê Đê có truyền thống văn hóa lâu đời ở Đắk Lắk. Ông là người trẻ tuổi nhất trong số 12 nghệ nhân ở Đắk Lắk vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Những người già ở buôn M’duk kể rằng, trước đây buôn M’duk cũng như các buôn lân cận Alê A, Alê B…, luôn ngập tràn tiếng chiêng. Y Hiu cũng như những đứa trẻ khác trong buôn, sinh ra và lớn lên trong tiếng chiêng. Chiêng ngân lên khi đứa trẻ ra đời, đến lễ đặt tên, lễ trưởng thành, rồi lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước… Khi người ta chết, tiếng chiêng lại đưa tiễn về thế giới ông bà. Những lễ bỏ mả, mùa ăn năm uống tháng, buôn làng luôn tràn ngập tiếng chiêng. Lên 5 tuổi, chưa nhấc nổi cái chiêng cỡ vừa, Y Hiu đã thuộc nhiều bài chiêng, miệng luôn phập phồng bắt chước pùm - bong theo điệu chiêng. Lên 7 tuổi, cậu bé Y Hiu nổi tiếng là đứa trẻ đánh chiêng giỏi nhất buôn M’duk.
Nghệ nhân Y Hiu kể, ở Tây Nguyên này, chiêng của các dân tộc Ê Đê, Ba Na, M’nông, Ja Rai, Xê Đăng, Mạ, Chu Ru… đều có những bản sắc, nét độc đáo, cách diễn xướng riêng. Chính những nét độc đáo, khác biệt đó dung hòa và tạo nên một không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên độc nhất vô nhị. Nhưng đến thời kỳ hội nhập, văn hóa cồng chiêng bắt đầu bị mai một, người biết chơi chiêng cũng thưa vắng dần. Lũ trẻ bây giờ thích các loại nhạc pop, rock… hơn là âm nhạc truyền thống. Trước đây nhà nào cũng có một bộ chiêng, như là báu vật gia truyền, thì nay cộng cả 3 buôn: M’duk, Elê A, Alê B cũng chỉ còn dăm bộ, nhiều bộ thậm chí không còn đủ số lượng, bị lạc tiếng. Phải làm gì để âm thanh của nguồn cội vang mãi trong các buôn làng Tây Nguyên là trăn trở lớn của những nghệ nhân - nghệ sỹ như Y Hiu. Bắt đầu tập đánh chiêng cho những đứa con, đứa cháu của mình, rồi những đứa trẻ hàng xóm, ông nhận ra rằng, muốn bọn trẻ yêu cồng chiêng phải tạo cho chúng niềm đam mê, hứng thú; sao cho bọn trẻ xem mỗi bài chiêng như một câu chuyện thú vị chẳng kém gì những… cuốn truyện tranh hiện đại.
Từ năm 2002 đến nay, nghệ nhân Y Hiu đã truyền dạy cồng chiêng cho bọn trẻ trong buôn. Lúc đầu chỉ dăm ba em, về sau hàng chục em trong buôn, thậm chí nhiều em ở buôn lân cận cũng sang xin được học “ké”. Ông mở lớp ngay trong nhà, dạy đánh chiêng miễn phí cho bọn trẻ. Không có chiêng đồng, ông còn chế tác chiêng tre để “học sinh” thực hành. Khi các em đã thành thạo chơi chiêng tre, Y Hiu đi mượn, hoặc bỏ tiền túi thuê các bộ chiêng đồng về dạy cho chúng diễn tấu những bài chiêng cổ được xem là các tác phẩm “kinh điển” của dân tộc mình.
Hơn 10 năm dạy diễn tấu cồng chiêng cho lũ trẻ, Y Hiu không nhớ có bao nhiêu đội chiêng trẻ của các buôn làng được ông đào tạo và “thành danh”. Lần theo quyển sổ cũ kỹ ghi lại lịch hẹn dạy chiêng, chúng tôi ước tính đã có hơn 600 đứa trẻ khắp các buôn Ê Đê gần, xa ở Đắk Lắk được Y Hiu thổi niềm đam mê và dạy diễn tấu cồng chiêng. Riêng đội chiêng trẻ của buôn M’duk từ năm 2004 đến nay, năm nào cũng giành giải vàng, bạc tại các kỳ liên hoan cồng chiêng cấp thành phố, cấp tỉnh.
Để những người như Nghệ nhân Y Hiu Niê Kđăm yên tâm cống hiến cho công tác bảo tồn di sản không gian văn hóa cồng chiêng, chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan cần có những hỗ trợ xứng đáng để họ có thể dành hết tâm huyết cho niềm đam mê.
Bài và ảnh: Việt Dũng