Người tự học làm trang phục thầy cúng

Ông Bàn Văn Hào (thôn Nà Thác, xã Phương Độ, tỉnh Hà Giang) là người đã phục chế được bộ trang phục cho các thầy cúng Dao.

 

Ông Bàn Văn Hào bên khung thêu.


Trong đời sống đồng bào Dao, thầy cúng được quan niệm là người duy nhất liên lạc được với thế giới âm (thần linh, linh hồn người chết...) và thế giới dương (thế giới của người sống). Trong các nghi lễ chính như: Lễ làm chay, lễ cấp sắc, thầy cúng còn là hiện thân của 3 ông Tam Thanh - những vị thần tối cao trong miếu vạn thần Đạo giáo của đồng bào Dao. Vì vậy trang phục của thầy cúng có giá trị đặc biệt, phản ánh tín ngưỡng, đồng thời cũng là tác phẩm nghệ thuật trang trí dân gian giàu giá trị thẩm mỹ, nhưng ít ai làm được áo thầy cúng. Ông Hào đã tự học cách làm, cũng như cách thêu các hoa văn trang trí trong rất nhiều năm.


Ông Hào cho biết: “Kỹ thuật thêu, ghép vải được khéo léo kết hợp với nhau tạo ra sự phong phú về mô típ hoa văn, sự đậm nhạt về màu sắc. Trang phục thầy cúng của người Dao Tuyển có bố cục thêu kiểu băng dải, chủ yếu là băng dải ngang. Mỗi dải hoa văn có họa tiết chủ đạo, ở giữa được thêu khổ to, dày, phản ánh các hình tượng chính như hình Tam Thanh, hình quân lính, hình rồng, hình công tào truyền tin... Xung quanh băng dải ngang là các đường diềm thêu ô vuông phản ánh 24 khí tiết và 28 vì tinh tú. Bảng màu của trang phục thầy cúng Dao khá rộng, gồm 7 màu: Đỏ, vàng, trắng, lục, lam, chàm, tím. Sự kết hợp khéo léo họa tiết trên trang phục thầy cúng càng tinh xảo bao nhiêu càng khắc họa rõ nét bức tranh nghệ thuật về trang phục dân tộc giàu bản sắc văn hóa của người Dao Tuyển”.


Mỗi bộ trang phục thầy cúng, ông Hào làm mất cả năm trời, nhưng hễ làm ra được bộ nào là lại có người ở tận Tuyên Quang, Lào Cai sang mua. Hiện nay, ông đang đào tạo một thanh niên trong thôn học để giữ nghề này.


Bài và ảnh: Nguyễn Lê

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN