Bệnh cúm A(H7N9) ghi nhận từ năm 2013 tại Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa khống chế được. Đồng thời, cúm A(H9N2), cúm A(H5N8) đã ghi nhận trên gia cầm tại Trung Quốc. Bệnh cúm A(H5N1) xảy ra từ năm 2003 đến nay vẫn đang lưu hành tại 16 quốc gia. Trên thế giới, chủng vi rút cúm A(H1N1) lưu hành rộng khắp ở tất cả các châu lục, lưu hành cao tại các nước khu vực Trung và Tây Á.
Tại Việt Nam, trong năm 2015 và tháng đầu năm 2016, cả nước chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), cúm A(H7N9) và cúm A(H5N8). Tuy nhiên, tình hình dịch cúm gia cầm ở nước ta vẫn tiếp tục ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành phố với 62 ổ dịch cúm trên gia cầm gây ra bởi 2 chủng vi rút là chủng cúm A(H5N1) và chủng cúm A(H5N6). Nguy cơ cúm gia cầm lây nhiễm sang người là rất cao do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như tập quán giết mổ và ăn uống không đảm bảo vệ sinh của người dân.
Để phòng chống bệnh cúm gia cầm lây sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm chết không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Người dân không được giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân cần phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh, người dân phải đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Mọi người cần giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc cúm khi không cần thiết..