Nguy cơ khủng hoảng lương hưu toàn cầu

Cuộc Đại suy thoái và khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến khủng hoảng lương hưu trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài trong nhiều thập kỷ. Nhiều người sẽ buộc phải tiếp tục làm việc qua độ tuổi nghỉ hưu. Tỷ lệ hộ nghèo ở người cao tuổi sẽ tăng lên ở các nước giàu. Tại các nước đang phát triển, chính phủ có nguy cơ không đủ khả năng duy trì hệ thống lương hưu.


“Thời kỳ hoàng kim” của nghỉ hưu...


Năm 1889, Thủ tướng Đức Otto von Bismarck đã thành lập hệ thống lương hưu nhà nước đầu tiên trên thế giới. Mỹ cũng bắt đầu thực hiện chính sách an sinh xã hội từ năm 1935. Trong những năm phát triển thịnh vượng sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ các nước giàu đã mở rộng hệ thống hưu trí. Ngoài ra, các công ty cũng bắt đầu thực hiện chính sách lương hưu, cam kết trả một khoản tiền hàng tháng cho nhân viên sau khi nghỉ hưu, hay còn gọi là trợ cấp lương hưu.

 

Thời hoàng kim của nghỉ hưu đã không còn.


"Pháp là một thiên đường nghỉ hưu", Richard Jackson - thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - cho biết. Ông Jean - Pierre Bigand, 66 tuổi, đã được hưởng tất cả những lợi ích của hệ thống hưu trí Pháp trước thời điểm cắt giảm lương hưu. Ông Bigand sống ở ngoại ô thành phố Rouen, Normandy và có ngôi nhà thứ hai ở Provence. Ông từng đi nghỉ trên đảo Oleron ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương và có kế hoạch du lịch 5 tuần tới Guadeloupe. "Du lịch là chi phí lớn nhất của tôi hiện nay", ông Bigand nói.


Nhiều quốc gia từng khuyến khích nhân viên lớn tuổi nghỉ hưu để tạo công ăn việc làm cho những người trẻ. Chính phủ các nước đã giảm độ tuổi nghỉ hưu của người lao động để có thể nhận được trợ cấp hưu trí đầy đủ của chính phủ. Tại các quốc gia tương đối giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), độ tuổi nghỉ hưu trung bình đã giảm từ 64,3 tuổi của năm 1949 xuống còn 62,4 tuổi vào năm 1999.


Thời kỳ nghỉ hưu nhàn nhã, giống như ông Bigand đã tận hưởng, là giai đoạn mà theo chuyên gia tư vấn Mercer của Dreger nhận xét: "Nghỉ hưu là một thời gian dài nghỉ ngơi, thư giãn. Bạn sẽ có một kỳ nghỉ dài. Đây là thời kỳ hoàng kim”.


... đã qua


Tuy nhiên, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi hệ thống ngân hàng toàn cầu rơi vào tình trạng khủng hoảng năm 2008 và đẩy cả thế giới vào tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Thâm hụt ngân sách chính phủ tăng lên ở châu Âu và Mỹ. Nguồn thu từ thuế sụt giảm và chính phủ phải bơm tiền để cứu các ngân hàng, đồng thời tăng cường trợ cấp thất nghiệp và các chương trình phúc lợi khác. Điều này gia tăng áp lực khiến chính phủ phải cắt giảm chi tiêu cho lương hưu.


Tại Hungary, nước này đã áp dụng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc khổ nhất: yêu cầu công dân giao tài khoản hưu trí của mình cho chính phủ quản lý hoặc không được nhận trợ cấp lương hưu từ chính phủ. Ba Lan giảm một phần tài khoản lương hưu của người dân trong khi Ireland áp dụng thuế đối với các tài khoản hưu trí.


Ở châu Á, người lao động phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới lương hưu. Theo truyền thống, tại Trung Quốc và Hàn Quốc, người già có thể mong đợi con cái sẽ chăm sóc mình khi trưởng thành. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi thành đạt ngày càng muốn sống độc lập. Họ cũng có nhiều cơ hội chuyển đến sống tại các thành phố khác để có công ăn việc làm, và rời bỏ cha mẹ. Các quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc đang ở trong giai đoạn "khó khăn": Truyền thống chăm sóc cha mẹ đang dần biến mất trong khi hệ thống chăm sóc người già lại chưa phát triển.


Trung Quốc đang phải trả một lương hưu khổng lồ cho công chức và người lao động làm việc trong các nhà máy kém hiệu quả. Đây là gánh nặng đối với Trung Quốc do tỷ lệ người về hưu tăng lên so với những người trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, người cao tuổi đang tăng lên nhanh chóng ở Trung Quốc vì chính sách một con chỉ vừa mới được nới lỏng.


(Còn tiếp)


CT (Theo AP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN