Nguy hại từ ô nhiễm tiếng ồn

Tại các đô thị hiện nay, ô nhiễm tiếng ồn đang ngày càng trầm trọng. Các nghiên cứu đã khẳng định, ô nhiễm tiếng ồn dẫn đầu danh sách các dạng ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe.

Vượt giới hạn cho phép

Cứ sáng ra, việc làm đầu tiên nhân viên hai cửa hàng quần áo ở ngay gần nhà chị Ngân (Trung Hòa, Cầu Giấy) là vác hai chiếc loa to đặt ở trước cửa hàng. Một bên thì nhạc rock ầm ĩ, một bên là nhạc sàn, náo loạn cả một khu phố. Hai bên làm ăn cạnh tranh nhau nên bên nào cũng cố gắng bật sớm nhất, nhanh nhất và to nhất, không cần quan tâm những người dân xung quanh bị “tra tấn” như thế nào.

Giao thông là một trong những "thủ phạm" gây ô nhiễm tiếng ồn nhiều nhất. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Chị Ngân than thở: “Có hôm bị ốm nên tôi nằm nhà một ngày, nghĩ rằng ở nhà để nghỉ ngơi, ai dè càng thấy mệt mỏi. Tiếng loa đài từ hai cửa hàng bán quần áo gần nhà ầm ĩ từ sáng đến tối khiến tôi không thể nào chịu đựng được; hôm sau dù vẫn còn sốt, tôi vẫn phải cố gắng đến cơ quan chứ ở nhà thì chắc bệnh thêm vì tiếng ồn”.

Tình cảnh “dở khóc dở cười” như chị Ngân không phải là hiếm. Chị Thu Hằng (Long Biên, Hà Nội) kể: “Ngày nào mọi người trong gia đình tôi cũng bị làm phiền bởi tiếng loa phường lẹt xẹt, inh ỏi từ 6 giờ sáng, nhiều ngày cuối tuần muốn ngủ muộn thêm một chút cũng không được. Còn buổi tối thì lại bị “tra tấn” bởi một dãy quán lẩu, quán nhậu. Cứ từ 5 - 6 giờ chiều đến đêm là lúc nào cũng ầm ĩ, tiếng hò hét, tiếng mời chào. Mặc dù đóng kín cửa sổ, cửa nhà nhưng con tôi không thể tập trung học được vì tiếng ồn vẫn quá lớn”.

Đó là tình trạng chung tại đô thị hiện nay, ô nhiễm tiếng ồn đang có xu hướng gia tăng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, với ba nguồn gây tiếng ồn chính ở đô thị, gồm hoạt động công nghiệp, giao thông, xây dựng và dịch vụ.

Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, ở những nơi như: trường học, bệnh viện, nhà trẻ… từ 18 - 21 giờ, âm thanh cho phép chỉ ở mức 55dB; từ 21 giờ - 6 giờ là 45dB. Với khu dân cư, âm thanh tối đa là ở mức 70dB. Vượt quá ngưỡng sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cao hơn nhiều mức cho phép vào giờ cao điểm, một số nơi mức đo được lên đến hơn 10dB và ngay cả thời điểm đêm khuya, từ 23 giờ - 6 giờ sáng, mức độ tiếng ồn đo được vẫn vượt giới hạn cho phép.

Chưa được quan tâm đúng mức

Các chuyên gia môi trường cảnh báo, ô nhiễm tiếng ồn không chỉ có những tác hại về sinh lý, tâm lý con người mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Tiếng ồn gây thương tích tai, gây bệnh điếc, sống trong tiếng ồn, sẽ khiến con người bị mắc những bệnh như đau đầu, lâu dần thành bệnh kinh niên, gây stress, căng thẳng thần kinh, dễ bị kích động. Nguy hại hơn nữa là những bệnh về tim mạch và huyết áp.

Tiếng ồn là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhưng hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Mặc dù đã có các chế tài quy định chi tiết về quy chuẩn tiếng ồn tại Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT và Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính bảo vệ môi trường quy định rõ, với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 5dB - 40dB sẽ là từ 1 triệu đồng - 160 triệu đồng, với mức vi phạm nặng hơn, cơ sở vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động từ 3 - 12 tháng.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện nay việc xử lý vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn khó hơn rất nhiều so với những loại ô nhiễm hữu hình như hóa chất độc hại, rác thải, nước thải… Bởi ô nhiễm tiếng ồn chủ yếu tập trung ở các đơn vị xây dựng, cơ sở sản xuất và từ hệ thống giao thông.

Thực tế, rất khó có thể "bắt tận tay" những vi phạm vì không thể biết được lúc nào họ bóp còi hơi, hoặc gây tiếng ồn, còn đối với các phương tiện giao thông thì thường xuyên di chuyển sẽ rất khó để "xử". Bộ TN&MT vẫn thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp. Nhưng hình thức áp dụng chủ yếu hiện nay là nhắc nhở, cảnh cáo các đơn vị vi phạm, còn theo tôi thấy thì chưa ai bị phạt vì vi phạm ô nhiễm tiếng ồn.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm tiếng ồn hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết phải có những quy hoạch kiến trúc xây dựng hợp lý giữa nơi công cộng và khu dân cư, có hình thức giảm tiếng ồn bằng các thiết bị chống ồn tại các nơi công cộng.

"Điều quan trọng nhất là ý thức của người dân, khi ở trong nhà, sản xuất tại nơi cư trú hay khi tham gia giao thông. Việc thay đổi hành vi, từ những thói quen nhỏ là bóp còi xe, nổ máy quá lớn khi đi vào khu dân cư hay mở nhạc quá lớn cũng rất cần thiết”, ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.   


Thu Trang
Từ thói quen bấm còi xe tới ô nhiễm tiếng ồn

“Không bấm còi khi không cần thiết”, “Nghĩ trước khi bấm còi” là những thông điệp của chương trình “Lắng nghe thành phố - City Sound” do công ty Ford Việt Nam, Mạng lưới Be Change Agents và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) tổ chức hôm qua (21/10) tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN