Cuộc bầu cử tổng thống Iran cuối tuần qua đã kết thúc với chiến thắng thuộc về ứng cử viên ôn hòa Hassan Rowhani. Tuyên bố sau khi trúng cử, ông Hassan Rowhani khẳng định việc ông đắc cử là "chiến thắng của chủ nghĩa ôn hòa trước chủ nghĩa cực đoan" và kêu gọi cộng đồng quốc tế đối xử với Iran bằng sự tôn trọng và công nhận các quyền của nước này nếu muốn nhận được phản hồi thích hợp.
“Chìa khóa” cho những thách thức?
Hãng tin AFP (Pháp) ngày 16/6 cho biết sau khi kết quả được công bố, hàng chục nghìn người dân thủ đô Têhêran đã đổ ra đường chúc mừng ông Rowhani giành chiến thắng áp đảo với 50,% phiếu bầu. Họ giương cao ảnh của ông cùng các biểu ngữ ủng hộ cải cách, trái ngược với cuộc bầu cử năm 2009 khi nhiều người biểu tình rầm rộ đòi bầu cử lại.
Người dân Iran xuống đường chúc mừng chiến thắng của ông Hassan Rowhani ngày 15/6/2013. |
Ông Hassan Rowhani sinh năm 1948 tại thị trấn Sorkheh, nằm ở phía đông nam Têhêran. Có bằng tiến sỹ luật tại Đại học Glasgow Caledonian ở Scotland (Anh). Ông là người theo chủ nghĩa ôn hòa và ủng hộ cải cách. Từ năm 1980 ông trở thành nghị sỹ quốc hội và từng là thành viên của Hội đồng Chuyên gia - gồm các giáo sĩ bầu ra và giám sát hoạt động của nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Từ năm 1989 - 2005, ông Rowhani giữ cương vị Thư ký Hội đồng An ninh Tối cao.
Trong giai đoạn 2003 - 2005, ông Hassan Rowhani làm trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran. Theo AFP, bản thân ông Hassan Rowhani cũng tự hào vì đã duy trì được mối quan hệ cá nhân tốt với nhà lãnh đạo tối cao Hamenei, người có tiếng nói tối thượng trong tất cả các vấn đề chiến lược, trong đó có chính sách hạt nhân, của Iran.
Chọn chiếc “chìa khóa” làm biểu tượng cho chiến dịch tranh cử của mình, ông Rowhani từng giơ cao vật dụng này và khẳng định trước những người ủng hộ rằng “đây sẽ là chiếc chìa khóa cho những thách thức của Iran”. Ông nói: “Tôi đã quyết định ra tranh cử để cứu nền kinh tế Iran và định hình sự tương tác mang tính xây dựng với thế giới thông qua một chính phủ của trí tuệ và kỳ vọng. Chính phủ hiện nay đã coi thường các lệnh cấm vận, nhạo báng chúng chỉ là giấy vụn, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tránh được chúng hoặc có thể giảm ở mức độ nào đó”.
Ông Rowhani cũng cam kết khôi phục các mối liên hệ ngoại giao với quốc gia “thù địch” là Mỹ. Ông từng thừa nhận Mỹ là một siêu cường và là nền kinh tế hàng đầu thế giới và Iran sẽ chuyển đổi các mối quan hệ thù địch hiện tại thành mối quan hệ tay đôi. Tuy nhiên, ông Rowhani vẫn kiên định rằng quốc tế phải thừa nhận quyền sở hữu hạt nhân, song làm thế nào để Têhêran sẽ phải “trả giá” thấp nhất có thể.
Phương Tây nói gì?
Đành rằng Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei là nhân vật quyền lực nhất tại Iran và các thực quyền của tổng thống về chính sách khá hạn chế, song phương Tây nhận định rằng ông Hassan Rowhani, người có khả năng tạo ra sự đồng thuận, sẽ “rộng tay” hơn trong điều phối hoạt động của chính phủ. Ali Vaez, chuyên gia phân tích cao cấp về Iran thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, có trụ sở tại Bỉ, nhận định “ông Rowhani không thể thay đổi nền tảng chính sách hạt nhân của Iran, vốn được quyết định bởi lãnh tụ Khamenei, song ông có thể thay đổi giọng điệu và nhóm đàm phán”.
Các cường quốc phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp đều khẳng định sẵn sàng hợp tác với tân Tổng thống Iran về chương trình hạt nhân của nước này, nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao có thể gạt bỏ hoàn toàn quan ngại của cộng đồng quốc tế.
Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, bà Catherine Ashton - người chủ trì các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và các cường quốc - nói rằng các cử tri đã giao cho ông Rowhani "một trọng trách nặng nề". Bà nói: "Tôi quyết tâm hợp tác cùng tân lãnh đạo Iran nhằm hướng tới một giải pháp mau lẹ cho vấn đề hạt nhân".
Lê Dương (tổng hợp)