Nhà quân sự hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo quân sự tài ba, vị Tổng tư lệnh văn võ song toàn của Việt Nam đã về cõi vĩnh hằng, hung tin này đối với những người Trung Quốc may mắn được sống và làm việc gần ông quả là một chấn động lớn. Ông Văn Trang (ảnh), nguyên cán bộ Đoàn cố vấn Trung Quốc sang giúp đỡ Việt Nam thời kỳ chống Pháp chia sẻ với phóng viên TTXVN về tình cảm và sự ngưỡng mộ ông dành cho Đại tướng.

 

 

“Khi biết tin, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt 56 năm (từ lần gặp đầu tiên cho đến lần gặp cuối cùng) cứ dần hiện rõ trước mắt tôi”, ông Văn Trang nói. Người cán bộ năm xưa ấy giờ cũng đã ngoài 90 tuổi, ông không khỏi xúc động khi kể với chúng tôi về những lần được gặp “bác Văn”, chỉ nghe cách xưng hô cũng thấy vô vàn trìu mến.


Lần đầu tiên gặp “bác Văn” là năm 1949, khi ấy ông Văn Trang đang công tác ở Ban Hoa vận Trung ương, được mời đến dự Đại hội Thanh niên cứu quốc tại khu rừng Việt Bắc. Đến nơi mới biết, “bác Đại tướng Võ Nguyên Giáp” cũng sẽ đến nói chuyện với anh em thanh niên, mọi người ai nấy đều khấp khởi mừng thầm. Đại tướng cưỡi ngựa đến, niềm nở chào mừng, bắt tay các anh em Trung Quốc mới sang Việt Nam công tác.


Trước Đại hội, “bác Văn” đã nói chuyện về cách mạng của Đông Dương, cuộc chiến tranh này là ta quyết đánh thắng thực dân Pháp, Pháp không chỉ xâm chiếm Việt Nam, mà xâm chiếm cả Lào và Campuchia, không đánh từng bước mà phải luồn ra sau lưng địch để đánh, đánh bằng nhiều cách để chiến thắng thực dân Pháp. Quan niệm đó của Đại tướng khiến người nghe vô cùng xúc động và khâm phục.


Lần thứ hai được gặp “bác Văn” là năm 1950 trong lần đến chúc thọ Bác Hồ 60 tuổi, cũng tại khu rừng Việt Bắc, ông Văn Trang nhớ lại: “Khi Bác Hồ chưa đến, đồng chí Trường Chinh, bác Văn và các đồng chí khác ở Trung ương đều đã đến, dù mới gặp tôi một lần mà bác Văn đã nhớ và gọi tên tôi”. Hôm đó, ông Văn Trang đã thay mặt cho người Hoa ở khu Việt Bắc phát biểu chúc thọ Bác Hồ.


Một lần trong chiến dịch Cao - Bắc - Lạng, ông Văn Trang cũng gặp “bác Văn” tại bản Đại Phì Nưa, Lam Sơn.


Sau đó, năm 1951 là thời gian ông Văn Trang thường xuyên được ở gần “bác Văn”. Khi ấy ông là phiên dịch cho đồng chí La Quý Ba, trưởng đoàn chính trị Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc sang Việt Nam, trong đoàn còn có trưởng đoàn quân sự là đồng chí Vi Quốc Thanh. Hàng tuần hai đồng chí này đều được mời tham gia họp Bộ Chính trị của Trung ương Việt Nam, vì vậy tuần nào ông Văn Trang cũng có dịp để gặp Bác Hồ và “bác Văn”. Tình cảm “bác Văn” dành cho các cán bộ trong Đoàn cố vấn rất nồng hậu, thân mật, như người anh đối với các em vậy, đặc biệt là đối với đồng chí Vi Quốc Thanh.


“Hồi đó họp ở khu nhà dài 30 m, gần lán ở của Bác Hồ, ăn trưa xong Bác về nghỉ còn Trưởng đoàn chính trị La Quý Ba và ông Văn Trang được bố trí nghỉ trong phòng nhỏ ở đầu hồi, bác Văn và các đồng chí Bộ Chính trị khác nghỉ tại phòng có chiếc giường tập thể lớn. Bác Hồ đi từ lán ra vỗ tay là có ý gọi các đồng chí dậy họp”, ông Văn Trang kể lại.


Sau năm 1954, Hà Nội giải phóng, ông Văn Trang về Hà Nội công tác ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, “bác Văn” thường xuyên tham dự các hoạt động của sứ quán tổ chức, mỗi dịp như vậy ông Văn Trang lại được “bác Văn”, hỏi han quan tâm tình hình.


Có hai món quà của “bác Văn” cho mà ông Văn Trang vẫn giữ là bức tranh sơn mài và hộp thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam. Đối với ông, “bác Văn sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm trí”. Khoảng thời gian dài sau không có dịp gặp lại nhau, cho đến năm 2001, khi Đài truyền hình Bắc Kinh sang Hà Nội có đến thăm bác Văn, qua màn ảnh nhỏ tôi thấy tinh thần bác Văn vẫn rất tốt, nhưng tóc đã bạc, bài thơ thất luật “Nhớ bác Văn” của tôi đã được ra đời vào lúc này.


Xưa gặp anh hùng trong
rừng rậm


Giờ thấy “bác Văn” trên
màn hình


Tóc bạc vẫn giữ khí Cao Lạng


Hào hùng tựa như gió
Điện Biên.


Toàn tâm bước tiếp theo
chân Bác


Một lòng dựa Chủ nghĩa
Mác - Lê


Vun trồng tùng bách xanh
tươi mãi,


Việt Trung hai lá cờ đỏ bay.


(Tạm dịch)


Năm 2004, theo lời mời của Chính phủ Việt Nam, đoàn Chính phủ Trung Quốc do ông Lý Thiết Ánh, Phó ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, dẫn đầu và những người trong đoàn cố vấn do đồng chí Trương Đức Duy (nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam) dẫn đầu đã sang dự Lễ Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Lần đó bác Văn cũng có mặt, trước khi buổi lễ diễn ra, bác đi bắt tay từng người một, khi chưa đến lượt mình nhưng ông Văn Trang đã nghe thấy “bác Văn” hỏi lớn “Văn Trang đâu?” Ông liền bước nhanh đến để bắt tay chào Đại tướng, niềm vui dâng trào khôn xiết. Cả khi được đến nhà riêng của bác ở 30 Hoàng Diệu, trong căn phòng khách, hai người ngồi ôn lại những ngày tháng ở An toàn khu Việt Bắc... Và đâu ngờ đó cũng là lần cuối cùng ông Văn Trang được gặp “bác Văn”.


Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nói đến khí phách của một tướng quân cách mạng, không sợ đế quốc hùng mạnh, đánh đổ nó để giành được thắng lợi cuối cùng. Ông là một vị tướng văn võ song toàn, không chỉ biết dũng cảm xông pha mà còn suy nghĩ thấu đáo, kỹ lưỡng trong chiến lược, chiến thuật chiến tranh nhân dân. Ông vừa là một nhà quân sự và nhà chính trị tài ba, vừa là người uyên thâm về văn hóa, đúng như cái tên mọi người vẫn gọi là “anh Văn”, “bác Văn”...


Theo ông Văn Trang, dân tộc Việt Nam là dân tộc chống lại đế quốc bằng sức của mình, để giành được thắng lợi cuối cùng, trên thế giới chỉ có một không hai, sự nghiệp đấu tranh đó chủ yếu là đấu tranh quân sự, với sự lãnh đạo của Bác Hồ, và người thực hiện được không ai khác chính là đồng chí Võ Nguyên Giáp. Hơn thế, Đại tướng còn thực hiện một cách sáng tạo và có hiệu quả các tư tưởng Hồ Chí Minh.


Nhóm P/v TTXVN tại Trung Quốc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN