Nhà Rông ở Tây Nguyên nói chung và ở Kon Tum nói riêng được biết đến như “trái tim” của làng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng giống với các mái đình của dân tộc Kinh, nhà Rông của làng ở Tây Nguyên là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của dân tộc.
Nhà rông của đồng bào dân tộc Brâu tại thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Dân làng coi nhà Rông rất trang trọng và thiêng liêng, là biểu tượng của quyền lực làng vì đây là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt chung, vốn rất cần cho cuộc sống luôn đề cao sự nương tựa, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, việc gìn giữ và phát triển nhà Rông luôn được chính quyền tỉnh Kon Tum cũng như chính đồng bào dân tộc thiểu số quan tâm gìn giữ.
Nhà Rông thể hiện sự quyền uy, giàu có của dân làng mình. Nhà Rông cao to như thể là nơi các vị thần về trú ngụ, là nơi trung gian giữa người và Giàng (trời). Các hoạt động tâm linh của dân làng đều diễn ra ở nhà Rông. Trong bất cứ nhà Rông nào đều phải có nơi để vật thiêng. Trên nóc các nhà Rông đều phải trang trí thật đẹp với hoa văn, họa tiết mô phỏng hình mặt trời, rau dớn... Do vậy, làng nào cũng cần phải có nhà Rông, làng nào không có nhà Rông thì bị coi là “làng đàn bà” như cách người dân tộc Ba Na ví von, vì đó là những ngôi làng chưa xứng đáng là làng. Do vậy, nhà Rông thường được các già làng và những người lớn tuổi trong làng lựa chọn sao cho có vị trí quan trọng nhất, thường được chọn ở ngay chính giữa làng và được xây dựng đầu tiên. Sau đó, người dân mới dựng nhà ở xung quanh và mặt của nhà thường hướng về phía nhà Rông. Đây là kiến trúc làng cổ mà hiện nay rất ít làng còn lưu giữ.
Theo già làng A Xép - dân tộc Ba Na (làng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) cho biết: Mỗi khi phải chuyển buôn đến một vùng đất khác hoặc do buôn đông người quá không có đất đủ sinh sống phải tách buôn, thì già làng và mọi người đi tìm nơi mới, khi đã ưng ở đất đó thì tiến hành cất nhà Rông, nếu trong thời gian dựng không có biến cố gì xảy ra gây đổ hoặc nguy hiểm đến tính mạng người nào thì coi như "Giàng đã đồng ý" thì mới bầu già làng mới và cho chuyển nhà dân đến dựng xung quanh. Làng Kon Kơ Tu của A Xép khi mới thành lập cũng được xây dựng như vậy.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà Rông thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên khá đặc sắc và đa dạng. Với mỗi dân tộc khác nhau, nhà Rông được xây dựng với hình dáng khác nhau và có nhiều tên gọi khác nhau. Theo đó, nhà Rông nhỏ và thấp thường là của đồng bào Giẻ Triêng, còn nhà Rông của đồng bào Xê Ðăng lại vút cao uy vũ. Trong khi đó nhà Rông của đồng bào Ba Na lại mềm mại nhưng vẫn không kém phần uy nghi trông như gà mẹ đứng giữa, các nhà sàn chung quanh là đàn gà con. Nhà Rông của đồng bào Gia Rai thanh thoát như lưỡi rìu dựng ngược vào trời xanh… Tuy vậy, các nhà Rông đều có điểm chung khi mà mọi người dân đều đến đây để cùng nhau sinh hoạt cộng đồng.
Thực tế cho thấy, trong nhà Rông hiện nay, nhiều làng đã treo ảnh, tượng Bác Hồ, cờ Tổ quốc; Quốc hiệu để tỏ lòng kính trọng, biết ơn công lao của Ðảng, Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc. Nhiều làng còn treo nội quy, hương ước của làng để mọi người đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Bên cạnh việc sinh hoạt mang tính tín ngưỡng, cổ truyền, tâm linh, thì hiện nay nhiều làng còn tổ chức các sinh hoạt với nhiều hình thức mới như: Tổ chức chào cờ đầu tuần, lễ mừng báo công, nơi phát động các phong trào lớn của các tổ chức, đoàn thể… Nơi đây, các phong trào như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào xây dựng nông thôn mới… cũng phát triển theo hướng có chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà Rông được sử dụng để hội họp, học tập quán triệt các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Ðảng và Nhà nước, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa mới như: Thông tin lưu động, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, mít tinh... do các cơ quan, đoàn thể tổ chức.
Đi khắp khu vực Bắc Tây Nguyên, những ngôi nhà Rông được xây dựng nhìn như những lưỡi rìu đang vút ngược lên trời xanh hay như những chiếc thuyền căng lướt gió. Đó là nơi bắt đầu cho những tiếng cồng, tiếng chiêng vang ngân và nơi đây là hơi thở, đời sống và tâm hồn của mảnh đất Tây Nguyên.
Sỹ Thắng