Dù mới chỉ một lần đặt chân đến quần đảo Trường Sa, nhưng với nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên, hành trình đó đã để lại cho anh biết bao cảm xúc, giúp anh cho ra đời hơn vài chục ca khúc.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên chụp ảnh với những chiến sỹ lính đảo Trường Sa (ảnh do nhân vật cung cấp). |
“Chúng tôi đến quần đảo Trường Sa vào giữa tháng 4/2012, sau hai ngày ba đêm vượt trùng dương. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là đảo Trường Sa Lớn. Không hoang vắng như tôi hình dung, những hàng phong ba, bàng vuông, dừa, đu đủ và rất nhiều loại rau xanh tạo cho đảo những mảng xanh tươi dịu. Và cũng khác với hình dung của tôi về cái tên “Trường Sa Lớn”, nghe có vẻ như to lớn lắm, nhưng giữa mênh mông biển trời, Trường Sa Lớn trở nên rất nhỏ bé. Sau này đi thăm các đảo chìm đảo nổi khác, tôi thấy còn bé hơn,... càng khiến lòng người có cảm giác nao nao. Tôi càng khâm phục ý chí kiên cường của các chiến sỹ trên đảo”, nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên tâm sự.
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên kể tiếp: “Khi chúng tôi đến Trường Sa Lớn, màn đêm xuống, nhóm văn công trong đoàn đã sẵn sàng biểu diễn phục vụ. Các chiến sĩ và bà con trên đảo, nghe có đoàn đến thăm biểu diễn văn nghệ, nên ngay từ sớm đã đến rất đông. Mở đầu chương trình, cả đoàn cùng hát bài hát tập thể “Hành trình đến Trường Sa” - bài hát tôi mới viết riêng cho đoàn khi đi trên con tàu Titan ra thăm đảo. Giữa muôn trùng sóng gió những câu hát vang lên như muốn nói hộ tâm trạng của chúng tôi: “Vượt trùng dương chúng tôi lên đường, về đảo xa nắng cháy phong ba. Trường Sa ơi! Nơi đầu sóng ngọn gió. Chúng tôi lên đường, góp đá xây Trường Sa. Trường Sa ơi! Giữa biển khơi giông tố... Trường Sa ơi! Gian khó xin sẻ chia...”.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên (phải) tại đảo Trường Sa. |
Không chỉ là những cảm xúc trên đảo Trường Sa, mỗi đảo chìm, đảo nổi khác của Trường Sa, lại đem đến cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên cảm xúc riêng rất lạ. Vì vậy cứ rời một hòn đảo, người nhạc sỹ đa tài này lại có khúc ca riêng về đảo.
“Trong suốt 9 ngày lênh đênh trên biển khơi cũng như ở trên những đảo chìm, đảo nổi, hình ảnh của người dân và người lính đang ngày đêm giữ đảo đã cho tôi rất nhiều cảm xúc. Trên 9 hòn đảo tôi đến, tôi đã sáng tác 9 bài hát, mỗi bài mang một góc nhìn, một tâm trạng, một tình cảm khác nhau. Trên đảo Phan Vinh, nhớ tới người anh hùng đã hy sinh vì con đường Hồ Chí Minh trên biển, tôi đã viết bài “Biển hát tên anh”. Ở Trường Sa Lớn, tôi phổ bài thơ của Nguyễn Thị Quyết Tâm với tựa đề “Thương lắm Trường Sa”. Và khi gặp các cháu thiếu nhi ở đảo Trường Sa Lớn, tôi viết bài “Trường Sa quê em”. Có những đêm nghe ca sĩ Trung Hậu hát những bài dân ca Nam Bộ trên đảo, cảm xúc trào dâng, tôi lại viết những ca khúc mang âm hưởng Nam Bộ “Hát với đảo xa”, “Câu hát tặng anh”...”.
“Sau này nhớ lại, không chỉ mọi người mà kể cả tôi cũng ngạc nhiên là từ chuyến đi năm 2012 đó mà tôi đã viết được 20 ca khúc. Các bài hát này đã được nhóm văn công tập và hát phục vụ ngay trong chuyến đi. Sau này, khi về đất liền tôi còn viết thêm khoảng 10 ca khúc nữa. Hiện một số ca khúc đã được phổ biến như: “Hành trình đến Trường Sa”, “Thương lắm Trường Sa”, “Hát với đảo xa”, “Cõng thuyền chài”, “Câu hát tặng anh”, “Chính ủy”, “Tình ca trên đảo”... Mỗi ca khúc mang một kỷ niệm, một tình cảm riêng mà tôi dành cho Trường Sa”, nhạc sỹ Văn Hiên cho biết.
“Nhờ chuyến đi đó mà tôi thấy hiểu thêm về quần đảo Trường Sa, tuy xa mà gần, hiểu thêm về nơi tuyến đầu Tổ quốc, hiểu thêm về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, điều đọng lại trong tôi lúc nào cũng là sự cảm kích tấm lòng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của những người lính trẻ. Trong mỗi tác phẩm tôi đều gửi gắm tình cảm tình yêu thương dù là tình yêu đôi lứa hay tình yêu quê hương”, nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên bồi hồi tâm sự.