Nhân tố Hy Lạp tiếp tục chi phối các thị trường toàn cầu trong phiên này, khiến đồng USD và đồng euro đồng loạt đi xuống so với đồng yen, giữa bối cảnh động lực từ báo cáo tích cực về thị trường việc làm của Mỹ hồi cuối tuần trước đã yếu dần.
Đồng USD và đồng euro đồng loạt đi xuống do lo ngại kinh tế Hy Lạp.
|
Kết thúc phiên giao dịch chiều ngày 10/2 tại thị trường Tokyo, đồng USD giao dịch ở mức 118,50 yen/USD, giảm so với mức tương ứng 118,64 yen/USD ghi nhận trong phiên giao dịch đêm trước (9/2) tại thị trường New York. Đồng euro cũng lùi bước trước đồng nội tệ Nhật Bản khi giảm từ mức 134,35 yen/euro xuống 134,27 yen/euro. Tuy nhiên, đồng tiền chung châu Âu lại lên giá so với đồng USD, tiến từ mức 1.1325 USD/euro lên 1,1331 USD/euro.
Số liệu đầy lạc quan về thị trường việc làm của Mỹ vừa được công bố cuối tuần trước càng củng cố thêm lòng tin của giới đầu tư về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nâng lãi suất trong năm nay, qua đó đẩy đồng bạc xanh lên giá. Tuy nhiên, sau đợt mua vào mạnh mẽ vài phiên trước, xu hướng tăng của đồng tiền Mỹ đã bắt đầu thoái trào và đi xuống ngay trong ngày giao dịch 10/2.
Đồng euro cũng chịu sức ép hạ khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu sẽ diễn ra vào ngày 12/2 tới, với vấn đề "nóng" đang được quan tâm là cuộc trah cãi chưa có hồi kết giữa Hy Lạp và bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), xung quanh chương trình cứu trợ dành cho nước này. Tình hình càng trở nên bế tắc khi mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng sẽ không đạt được bất kỳ thỏa thuận mới nào mà phía Hy Lạp mong muốn tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels trong tuần này, bất chấp việc Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bày tỏ sự lạc quan rằng hai bên có thể đi tới một thỏa hiệp tại hội nghị lần này.
Khép lại phiên giao dịch 10/2, đồng bạc xanh biến động bất nhất so với các đồng tiền của khu vực châu Á - Thái Bình Dương: USD giảm giá so với đồng rupee của Ấn Độ, won của Hàn Quốc, đồng TWD của vùng lãnh thổ Đài Loan và đồng baht của Thái Lan, song lại mạnh lên so với đồng SGD của Singapore, đồng rupiah của Indonesia và đồng peso của Philippines.
Cùng lúc đó, trong phiên giao dịch chiều ngày 10/2, giá vàng nới rộng đà tăng trong ngày thứ hai liên tiếp, trước những lo ngại về tương lai “rời khỏi hay ở lại” Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) của Hy Lạp. Bên cạnh đó, sắc đỏ bao phủ thị trường chứng khoán châu Á cũng là khiến nhà đầu tư tìm đến vàng, vốn được coi là một kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn.
Cụ thể, tại Singapore, lúc 14 giờ 33 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.243,05 USD/ounce, sau khi ghi thêm 0,5% trong phiên ngày hôm qua (9/2). Trong tuần trước, kim loại quý này đã chạm mức 1.228,25 USD/ounce, mức thấp nhất trong ba tuần.
Theo thương nhân Jason Cerisola tại MKS Group, sức hấp dẫn của vàng tăng lên trong bối cảnh Hy Lạp đứng trước bờ vực vỡ nợ và nguy cơ rời khỏi khu vực Eurozone cộng với bất ổn địa chính trị ở Ukraine đã khiến các thị trường cổ phiếu mất điểm. Theo ông, giá kim loại quý này có thể trụ vững ở mức 1.225 USD/ounce và giảm xuống 1.217 USD/ounce trong ngắn hạn.
Khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung đã tăng lên khi Thủ tướng Alexis Tsipras cho biết ông vẫn giữ kế hoạch từ bỏ các chính sách "thắt lưng buộc bụng" và sẽ không yêu cầu gia hạn gói cứu trợ mà quốc tế dành cho Hy Lạp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nói rằng Athens không nên lầm tưởng rằng toàn châu Âu sẽ chấp nhận vô điều kiện chương trình mà chính phủ nước này đề ra.
Minh Trang - ML