Nhật Bản bào chế thành công kháng thể phòng MERS

Nhóm các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản do Giáo sư Yasuhiro Tsukamoto đứng đầu đã nghiên cứu và bào chế thành công một số lượng lớn kháng thể từ trứng đà điểu, có khả năng ức chế mạnh đối với coronavirus - loại virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS), mang lại hiệu quả rất lớn trong việc dự phòng lây nhiễm MERS.

Đà điểu có khả năng lành vết thương nhanh chóng.


Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nghiên cứu do nhóm chuyên gia đầu ngành về dịch tễ học động vật thuộc Viện Cao học - Đại học Kyoto và Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Lục quân Mỹ (USAMRIID) phối hợp thực hiện. Loại dược phẩm trên, được chế dưới dạng xịt, đã được thử nghiệm tại USAMRIID. Một số lượng lớn dược phẩm này đã được chuyển đến Hàn Quốc và Mỹ.

Theo Giáo sư Tsukamoto, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một dạng protein bề mặt của coronavirus từ tế bào của con tằm, và đưa protein này vào cơ thể đà điểu dưới dạng kháng nguyên, sau đó tinh chế kháng thể từ trứng của đà điểu có kháng thể chống virus. Giáo sư phân tích: coronavirus đi vào tế bào người thông qua protein đặc trưng, và kháng thể trên sẽ tạo thành một lớp mặt nạ bên ngoài tế bào để ngăn virus thâm nhập tế bào, từ đó, ngăn chặn quá trình lây nhiễm MERS.

Giáo sư Tsukamoto đánh giá cao hệ miễn dịch của đà điểu, vốn có khả năng tự chữa lành vết thương rất nhanh. Nhóm của giáo sư Tsukamoto đã phát triển công nghệ sản xuất kháng thể nói trên với số lượng lớn từ trứng đà điểu từ năm 2008 nhờ khả năng sản sinh ra kháng thể cao ở loài này. “Khẩu trang kháng thể” thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận khi chúng được bán rộng rãi trong thời gian xảy ra dịch cúm năm 2008 và kháng thể đà điểu chống lại virus Ebola cũng được sản xuất hồi năm 2014.

Công ty Bioventure Mỹ và Trung tâm nghiên cứu của công ty này cũng đang thúc đẩy chiến dịch đối phó với dịch MERS cùng Đại học Kyoto. Hiện, trung tâm đang kiểm tra các tác dụng phụ và hiệu quả kháng thể sau khi tinh chế.

Vì dược phẩm trên chưa được chứng nhận nên chưa thể đưa trực tiếp vào cơ thể người, tạm thời chỉ dùng dưới dạng phun sương chứa kháng thể để xịt vào khẩu trang, tay và tay nắm cửa để phòng dịch. Loại dược phẩm này dự kiến sẽ được phát cho các nhân viên y tế và các sân bay ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Liên quan đến diễn biến dịch MERS tại Hàn Quốc, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 19/6, nước này đã ghi nhận thêm một trường hợp tử vong và một ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong lên 24 và số ca nhiễm lên 166. Đây cũng là ngày có số ca nhiễm mới ít nhất kể từ khi bùng phát dịch MERS tại Hàn Quốc hôm 20/5. Bộ Y tế cho biết ca tử vong mới nhất là một bệnh nhân 75 tuổi đang được điều trị tại bệnh viện. Theo Bộ trên, 30 người nhiễm MERS đã được ra viện sau khi hồi phục hoàn toàn và có 5.930 người đang trong thời gian cách ly.

Phát biểu với báo giới tại Seoul ngày 18/6, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan, đang ở thăm Hàn Quốc, kêu gọi người dân không nên quá lo ngại về khả năng MERS lây lan ra cộng đồng do hầu hết các vụ lây nhiễm đều xảy ra tại bệnh viện, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi chặt diễn biến của dịch.


TTXVN/Tin Tức
Triều Tiên tuyên bố sản xuất 'thần dược' chống MERS
Triều Tiên tuyên bố sản xuất 'thần dược' chống MERS

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nước này đã phát triển được một loại vắcxin phòng chống virus gây Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) và nhiều loại bệnh lây nhiễm khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN