Ngày 16/11, cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong hai ngày giữa Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên tại thủ đô Ulan Bato của Mông Cổ đã kết thúc với sự nhất trí của hai bên sẽ tiếp tục tổ chức vòng đàm phán tiếp theo “sớm nhất có thể” về vấn đề gai góc liên quan tới các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trước đây.
Trưởng đoàn bên phía Nhật Bản, Vụ trưởng Vụ châu Á - châu Đại dương của Bộ Ngoại giao nước này Shinsuke Sugiyama cho biết, thỏa thuận tiếp tục đàm phán đạt được sau khi hai bên “trao đổi ý kiến sâu sắc”. Quan chức này đánh giá không khí cuộc đàm phán “không gay gắt” mà trực tiếp, nghiêm túc và giàu tính thực chất. Bên cạnh vấn đề về bắt cóc, các quan chức Nhật Bản và Triều Tiên cũng nhất trí sẽ thảo luận kỹ lưỡng hơn về những vấn đề liên quan đến an ninh, trong đó có chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đây là lần đầu tiên trong bốn năm qua hai bên có cuộc gặp làm việc cấp chuyên viên cao cấp. Nhật Bản và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao, từ lâu bất hòa khi Tôkiô gây sức ép đòi hỏi Bình Nhưỡng làm rõ việc bắt cóc công dân Nhật Bản trước đây cũng như tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Năm 2002, Bình Nhưỡng thừa nhận các điệp viên nước này đã bắt cóc các công dân Nhật Bản trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước để đào tạo tiếng Nhật và phong tục tập quán cho các điệp viên Triều Tiên. Năm 2008, Bình Nhưỡng cam kết điều tra lại vấn đề nhưng sau đó không có tiến triển nào. Về phần mình, Triều Tiên cho rằng Nhật Bản chưa đền bù cho giai đoạn thời chiến.
Tháng 8 vừa qua, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên có cuộc đối thoại liên chính phủ đầu tiên trong vòng 4 năm. Hai nước đã nhất trí sớm nối lại các cuộc gặp song phương trong thời gian tới, và đồng ý thảo luận các vấn đề hai bên cùng quan tâm, đồng thời nâng cấp đối thoại song phương. Theo giới quan sát, vấn đề liên quan đến các công dân Nhật Bản bị bắt cóc sẽ được đưa vào nghị trình các cuộc gặp song phương vì đây là trở ngại chính cho việc bình thường hóa quan hệ. Cuộc đàm phán cấp chuyên viên vừa qua chính là nhằm giải quyết vấn đề này khi Nhật Bản đưa ra đề xuất và tiêu điểm lúc này là phản ứng của Triều Tiên.